Biển Đông: Philipines "căng", Campuchia "thân" Trung Quốc, đàm phán COC chông gai
Theo hãng tin Kyodo (Nhật) trong ngày đầu làm việc (14/9), các quan chức ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về chi tiết bản thảo Bộ qui tắc và trong ngày thứ hai (15/9) sẽ chuyển văn bản tổng kết tới các quan chức cấp cao hai bên để xem xét và phê duyệt.
Hội nghị ASEAN +3 (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) lần thứ 14 diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei tháng 6/2013. Tại hội nghị này, Trung Quốc đồng ý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về COC. |
Theo các quan chức ASEAN, các cuộc họp ở Tô Châu, Trung Quốc lần này cũng sẽ tập trung về vấn đề thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông, một văn bản không có tính ràng buộc pháp lý mà ASEAN và Trung Quốc kí kết năm 2002.
Kết quả của các cuộc đàm phán sẽ được thông báo sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc diễn ra ở Brunei vào tháng tới.
Tại cuộc họp trù bị diễn ra ở Hua Hin, Thái Lan ngày 14/8, các đại biểu ASEAN thể hiện sự đồng thuận cao độ và sẵn sàng tham dự các cuộc đàm phán ở Tô Châu với một tiếng nói chung để nhanh chóng thương lượng với Trung Quốc về Bộ qui tắc ứng xử.
Tuy nhiên, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Clad cho rằng đàm phán ASEAN – Trung Quốc sẽ khó có khả năng đạt được đột phá.
“Trước hết, tôi không cho rằng ASEAN thực sự có tiếng nói chung. Campuchia đã ra sức giúp đỡ người bạn Trung Quốc của mình. Vì thế tôi không nghĩ các cuộc đàm phán sẽ tiến tới kết quả đáng kể do người Trung Quốc sẽ tìm cách cản đường, giống như họ vẫn làm từ trước tới nay”, ông James Clad nhận định.
Mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc
Năm ngoái, mối quan hệ thân thiết giữa Campuchia và Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức ở Phnom Penh. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm hoạt động, các bộ trưởng ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung do vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, một dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt của khối.
Trung tuần tháng Tám, trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc, Ngoại trưởng Campuchia thúc giục ASEAN và Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Lao Monghay cho rằng đây thực chất chỉ là “bổn cũ soạn lại” của Bắc Kinh.
“Chiến lược của Bắc Kinh là chia rẽ ASEAN. Nước này đã thành công tại Hội nghị ở Campuchia năm ngoái”, Lao Monghay nhận định.
Vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố nước này không vội vàng thương lượng về Bộ qui tắc ứng xử. Nước này cũng phản đối giải pháp đa phương cho các cuộc tranh chấp trên Biển Đông mà chỉ muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương với ASEAN.
Căng thẳng Philippines – Trung Quốc
Bãi cạn Scarborough, tâm điểm của căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. |
Hôm 11/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng cáo buộc của Philippines về các cột bê tông ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham là “hoàn toàn bịa đặt”.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các hoạt động của Trung Quốc quanh đảo Hoàng Nham và vùng biển xung quanh là hoàn toàn trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Philippines dừng các hành động khiêu khích, đối diện trực tiếp với Trung Quốc và bảo vệ hòa bình cũng như ổn định trên Biển Đông”, ông Hồng Lỗi phát biểu.
Rommel Banloai, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philippines, cho rằng Manila sẽ đối diện với các thách thức khi tới tham dự đàm phán ở Tô Châu.
“ASEAN vẫn rất, rất mềm mỏng về vấn đề này. Tôi nghĩ ASEAN đã xác định xong lập trường của mình và lập trường đó không gần với lập trường của chính phủ Philippines”, ông nhận định.
Ông Banlaoi nói rằng không phải tất cả các thành viên ASEAN “đều có cùng cách nhìn nhận giống Philippines” về hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông. Chỉ 4 trong số 10 quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.
Nhà nghiên cứu Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng ông không nghĩ Trung Quốc sẽ có “sự đột phá nào trong cuộc họp này”.
“Họ sẽ tìm cách kéo dài quá trình này càng lâu càng tốt và sử dụng mọi chiến thuật “mua thời gian” nhằm để vấn đề này bị trì hoãn càng lâu càng tốt”, ông nhận định.
Ông Storey cũng cho rằng “quá trình lâu dài” đó cũng có thể chỉ giúp tạo ra “một bộ văn bản khác chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà không thực sự giúp giảm căng thẳng hay thay đổi động lực cốt lõi của các cuộc tranh chấp”.