Bi kịch của người mẹ bị bán sang Trung Quốc làm vợ người ta
Năm 1994, chị kết hôn cùng anh Lò Văn V, người cùng địa phương, và có với nhau 1 người con gái. Cuộc sống gia đình tuy vất vả nhưng cũng như bao gia đình khác, tưởng chừng như chị sẽ có một cuộc sống ấm êm, hai vợ chồng cùng trồng sắn, trồng ngô trên nương. Tuy nhiên, khi đứa con gái được 3 tuổi, chồng chị nghe theo lời xúi giục của người xấu đã bỏ đi biệt tích đến nay không ai rõ tung tích, bỏ mặc chị nuôi con một mình với bao công việc ruộng nương vất vả.
Cuộc sống tưởng chừng như bế tắc, vì muốn có thu nhập tốt hơn, thay vì vào rừng hái măng như nhiều người khác, năm 2002 chị lên xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông để rửa bát thuê cho một quán ăn. Cũng từ đây, chị nghe theo kẻ xấu dụ dỗ nên đã sang Trung Quốc với viễn cảnh làm công nhân trong nhà máy với mức thu nhập mà chị chưa từng dám nghĩ tới. Khi đó, con gái chị mới chỉ lên 7 tuổi và được ông bà ngoại nuôi nấng.
Sang Trung Quốc, chị L bị bán cho một nông dân người bản địa để làm vợ và có với người này một người con trai. Với chị, những ngày làm dâu xứ người là những ngày tháng chị không lúc nào nguôi đi nỗi nhớ đứa con gái nơi quê nhà. Đứa con trai là động lực duy nhất giúp chị vượt qua khó khăn lúc đó.
Một ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh minh họa |
Rồi một ngày vào năm 2008, chị cũng được hồi hương nhưng theo cách có lẽ chẳng ai mong muốn. Chị phát bệnh tâm thần khi đứa con trai với người chồng Trung Quốc mới được 3 tuổi. Chị L bị gia đình chồng ruồng rẫy khi không còn khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho họ. Họ đã đuổi chị về Việt Nam một mình và không còn liên lạc gì kể từ khi đó.
Trở về Việt Nam, chị sống trong tình thương yêu của cha mẹ già và đứa con gái với người chồng trước. Nhưng một lần nữa chị lại tiếp tục sống trong cảnh thương nhớ đứa con do mình đứt ruột sinh ra mang quốc tịch Trung Quốc. Cộng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bệnh tình của chị L không được chữa chạy kịp thời nên không có dấu hiệu thuyên giảm. Chị hoàn toàn không có khả năng lao động, chỉ biết ngồi cười – nói một mình, thậm chí có lúc còn đập phá đồ đạc, cào cấu người thân trong gia đình, hoặc nhổ phá cây cối trong vườn.
Với hoàn cảnh đó, chị L được nhà nước trợ cấp 360.000 đồng/tháng hỗ trợ thuốc men chữa bệnh. Con gái chị, cháu Lò Thị H hiện đang là học sinh lớp 12 tại một trường cấp 3 trên địa bàn huyện. Việc thiếu đi sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ từ bé đã khiến cháu từng trở nên lầm lì, ngại giao tiếp với những người xung quanh.
Trao đổi với PV Infonet, thầy giáo của cháu H cho biết nhà trường và bạn bè đã giúp đỡ cháu H rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần để H tiếp tục đến trường. Sự quan tâm đã giúp H vượt qua khó khăn trước mắt và không còn là một cô học trò luôn sống khép kín như hồi lớp 10 mà đã hòa đồng với bạn bè và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Câu chuyện của chị L là bài học cảnh tỉnh cho những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, vì thiếu thông tin và hiểu biết nên đã phải trả giá đắt, thậm chí gây khó khăn cho gia đình. Nhưng trước hết, nó cũng là bài học cho những người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình, dẫn đến cảnh gia đình li tán.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về kết quả phòng, chống mua bán người năm 2016 tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, khu vực biên giới là tuyến trọng điểm nhất về hoạt động mua bán người. Khu vực biên giới tính Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang và Lào Cai vừa là địa bạn trung chuyển nạn nhân từ khắp các tỉnh thành trong cả nước sang Trung Quốc, vừa là địa bàn để tội phạm mua bán người trong cả nước tuyển mộ nạn nhân vì nhiều mục đích khác nhau như: bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục và hôn nhân trái phép. Đáng chú ý là số lượng người Việt (chủ yếu là người dân sống tại khu vực biên giới phía Bắc) sang Trung Quốc lao động thời vụ ngày càng gia tăng. Lợi dụng điều này, các đối tượng phạm tội đã dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân để bán.