Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương và mong ước thành "khách sạn 5 sao"
![]() |
Phòng bệnh nội trú cho bệnh nhân. |
Nơi nói không với xã hội hóa
Từ khi lên làm giám đốc, giáo sư Hải cho biết lúc đó “xã hội hóa như cơn bão”. Tuy nhiên, ông nhìn ra những hạn chế của xã hội hóa nên đã không đồng ý để bệnh viện xã hội hóa dù lúc đó có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư để phát triển bệnh viện.
Bài toán để xã hội hóa là phải minh bạch, công khai điều này rất khó có thể làm được nên chọn hướng đi khác để phát triển bệnh viện bền vững hơn.
Răng hàm mặt vốn là một chuyên khoa cạnh tranh rất khốc liệt, khác với các chuyên ngành ung thư, sản, nhi, chấn thương, xương khớp... Giáo sư Hải tâm sự nếu răng hàm mặt làm không tốt thì bệnh nhân sẽ ra ngoài làm, sẽ dựng nên mô hình bệnh viện chỉ là nơi mượn danh còn đến viện chỉ “ngồi chơi, xơi nước”, bệnh nhân được các bác sĩ đưa ra ngoài làm phòng khám riêng. Nếu như thế, đáp án ai cũng nhìn thấy bệnh viện không phát triển, thu không đủ chi thì nhân viên y tế thu nhập không đủ sống.
Nắm được mặt bằng cạnh tranh của chuyên ngành răng hàm mặt, được Chính phủ, Bộ Y tế cho phép tự chủ tài chính, 6 năm qua, Giáo sư Hải cùng ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của bệnh viện đã đưa bệnh viện lên một bước phát triển mới.
Đến nay, tổng thu của bệnh viện tăng gấp nhiều lần so với ngày xưa, bệnh viện có quỹ phát triển sự nghiệp đáp ứng được nhu cầu phát triển mà không cần phải huy động xã hội hóa. Các trang thiết bị hiện đại, bác sĩ được đi đào tạo các kỹ thuật mới, nếu có chuyên gia nước ngoài nào đáp ứng nhu cầu học hỏi cho cán bộ nhân viên sẽ được mời sang bệnh viện.
![]() |
Bệnh viện răng hàm mặt |
Tham vọng khách sạn 5 sao
Giáo sư Hải cho biết mục tiêu của bệnh viện là biến bệnh viện trở thành một nơi như khách sạn, bệnh nhân đến bệnh viện là khách hàng không phải là bệnh nhân. Đứng ở vị trí của một khách hàng, Giáo sư Hải và các cộng sự trong bệnh viện phải thay đổi lần lượt, từ thái độ phục vụ người bệnh của điều dưỡng, bảo vệ, trông xe đến hình thức của nhân viên.
Hiểu được tâm lý của khách hàng, giáo sư Hải nghĩ cảm giác đầu tiên vào viện đó là khâu gửi xe. Chính vì thế, bệnh viện không có chỗ để xe, ông đã làm việc với Thành phố Hà Nội xin một phần đất vỉa hè để xe cho bệnh nhân và thuê công ty khác về trông. Để tránh cảnh chặt chém người bệnh khi gửi xe, ông quyết định miễn phí gửi xe. Công đoàn của bệnh viện ủng hộ nên thực hiện hết sức dễ dàng.
Cán bộ nhân viên không có nơi để xe, bệnh viện trích tiền để cho nhân viên mang đi gửi chỗ khác. Các bác sĩ ở đây tâm sự họ phải mang ra tận Thư viện Hà Nội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam để gửi xe rồi mới vào bệnh viện làm việc.
Bệnh viện có diện tích nhỏ nhất so với các bệnh viên công thuộc Bộ Y tế, nên ban giám đốc thay đổi cơ sở vật chất phục vụ người bệnh lần lượt từ khâu nội trú đến phòng mổ, phòng chờ cho người bệnh.
Hầu như bệnh nhân đến bệnh viện không phải chờ đợi quá lâu, các bàn làm thủ tục khám, xét nghiệm đều nhanh. Giáo sư Hải cho biết khoa nào nhiều bệnh nhân đến khám, ông yêu cầu khoa đó phải có biện pháp không để bệnh nhân chờ lâu như đi làm sớm hơn, phát phiếu sớm hơn.
Tác phong của nhân viên trong bệnh viện là điều được bệnh viện quan tâm. Bệnh nhân vào viện 80 % là tiếp xúc với điều dưỡng nên bộ phận này phải được tập huấn tác phong từ ăn mặc quần áo phải trắng, sạch sẽ. Loại bỏ những nhân viên mặc quần áo nhăn nhúm, ố màu vì đó là hình ảnh của bệnh viện.
Để mọi việc diễn ra theo đúng như “lộ trình” Giáo sư Hải, công đoàn bệnh viện thường lắng nghe tâm tư của người bệnh cũng như cán bộ nhân viên để tạo thành môi trường bệnh viện thân thuộc và sang trọng.