25% người Việt trưởng thành đang mang căn bệnh có tỷ lệ tử vong, tàn phế hàng đầu
25% người Việt trưởng thành tăng huyết áp nhưng chỉ 1/3 được kiểm soát
Nếu như trước năm 1900, tử vong do tim mạch chỉ khoảng dưới 10% các nguyên nhân gây tử vong. Nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21, theo Tổ chức Y tế thế giới, tử vong do tim mạch ước tính khoảng 17,9 triệu người trên toàn thế giới, chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong.
“Đáng nói, lối sống hiện đại với nhiều thói quen không lành mạnh đang làm gia tăng căn bệnh chết người này”, PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo PGS Hương, mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi 18,6 triệu sinh mạng, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và tương ứng với tỷ lệ 31% tổng tử vong toàn cầu.
Đáng ngại là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, chiếm tới 75%, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật đã thay đổi rất nhanh trong vài thập kỷ vừa qua, với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam, vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Chung quan điểm, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh này cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Tỷ lệ mắc tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên trong nhiều khu vực địa dư khác nhau của nước ta đã nằm trong khoảng từ 25% - 47%. Thế nhưng, đến nay, vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
Theo nghiên cứu của Viện Tim Mạch Việt Nam cho thấy số bệnh nhân bị tăng huyết áp đã gia tăng khoảng 1% mỗi năm. Hiện khoảng 25% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này.
Đáng nói, số người tăng huyết áp được kiểm soát (điều trị, thay đổi lối sống) tốt huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 1/3.
Thay đổi lối sống, bỏ thói quen xấu
Lý giải nguyên nhân tình trạng này, PGS. TS Liên Hương cho rằng đó là do sự thay đổi môi trường, lối sống hiện đại với nhiều thói quen không tốt như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động... là các yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
“Chỉ cần người dân bỏ các thói quen xấu, không sử dụng thuốc lá, không dụng bia rượu, tích cực luyện tập thể dục thể thao... sẽ giảm bớt được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch”, PGS. TS Liên Hương cho hay.
Bổ sung thêm, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch Học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam cũng khẳng định, hầu hết các bệnh tim mạch đều có thể ngăn chặn chỉ bằng cách thay đổi lối sống.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid... cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
N. Huyền