Bất ngờ với những con đường huyền thoại thời kỳ chống Mỹ
Huyền thoại đường Trường Sơn trên biển
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong giai đoạn 1961-1975. Với mục tiêu vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam song song với đường Trường Sơn trên bộ trong kháng chiến chống Mỹ.
Cụ thể, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Nếu đường Trường Sơn trên bộ bị đánh phá đêm ngày thì đường Trường Sơn trên biển cũng chịu muôn vàn khó khăn khi điều kiện của ta còn nhiều hạn chế (tàu nhỏ, không bến bãi cập bến…), tàu xuất cảng với tâm thế “đi không hẹn ngày về”.
Cứ như vậy, suốt 14 năm hàng trăm “Đoàn tàu không số” đã ra Bắc vào Nam vận chuyển hàng trăm lượt cán bộ, hàng ngàn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chiến công xuất sắc của các cán bộ chiến sĩ “Đường Hồ Chí Minh trên biển” chưa từng một lần lên phim ảnh mà mới dừng lại ở những thước phim tài liệu ít ỏi và cũng chỉ mới được công bố trong thời gian gần đây.
Nếu đường Trường Sơn trên bộ với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” thì đường Trường Sơn trên biển được ngụy trang bằng các con tàu không số; con đường tài chính tiền tệ thì lại được giao dịch bởi các ngân hàng… ẩn danh, các tài khoản ở nước ngoài.
Con đường tiền tệ
Năm 1965, để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách cho các chiến trường phía Nam, ông Phạm Hùng (lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề chi viện miền Nam) đã đề xuất với Bộ Chính trị một quyết định có ý nghĩa lịch sử là lập riêng tại miền Bắc một “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” (B.29). Quỹ này có danh nghĩa là Cục Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng lại chịu sự điều hành, chỉ đạo đơn tuyến của Ban Viện trợ miền Nam.
Quỹ B29 có các nguồn viện trợ quốc tế để dành riêng cho miền Nam và được sử dụng một cách độc lập chứ không liên quan đến vốn ngoại tệ công khai của Nhà nước tại miền Bắc. Đáng chú ý, B.29 ngoài hoạt động bí mật, chỉ do 14 cán bộ phụ trách do ông Mai Hữu Ích (Bảy Ích) lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Ngoại hối, đồng thời là Ủy viên Ban Viện trợ miền Nam điều hành. Trong suốt 11 năm hoạt động, con đường tiền tệ này đã quyên góp, điều chuyển hàng trăm triệu USD phục vụ chiến trường miền Nam.
Theo tư liệu của Bảo tàng Cách mạng, nguồn tiền đến từ nguồn viện trợ của các nước XHCN và bạn bè quốc tế (gồm USD, đô la Hồng Kông, Franc Pháp, Bảng Anh…) được B.29 tập hợp, sau đó gửi vào tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Sau đó Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam lại “rửa tiền” bằng cách gửi lại tại các ngân hàng ở Hồng Kông, Pháp và một số ngân hàng quốc tế lớn đáng tin cậy để mua vũ khí để quay lại phục vụ chiến trường miền Nam.
Đáng chú ý, trong các hoạt động của con đường tiền tệ này, B.29 đã qua mặt chính các ngân hàng tại các nước vốn là đồng minh của Mỹ như Thái Lan khi đổi tiền USD sang đồng Bath của Thái, mua vũ khí từ Thái rồi theo ngả đường Campuchia đưa về miền Nam Việt Nam. Những kì tích tưởng chừng như huyền sử ấy khi được bạch hóa đã khiến đối phương không khỏi bất ngờ. Rất tiếc, con đường tiền tệ này cũng chưa một lần được đưa lên phim ảnh để các thệ hệ sau hiểu rõ hơn về chiến công oanh liệt của thế hệ cha ông.
Hải Việt