Báo Mỹ: Hãy xem cách Trung Quốc tạo cớ cho chiến tranh ở Biển Đông
Để chứng minh cho nhận định trên, tờ Quartz lấy ví dụ về hoạt động chiếm đóng, xây dựng trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc đối với đá Chữ Thập của Việt Nam. Nhiều thập kỉ trước đó, tàu thuyền từ các quốc gia khác có thể đi lại một cách tự do, nhưng giờ cứ có tàu thuyền của nước nào tới gần, Trung Quốc đều tỏ ra tức giận, tự cho là mình bị khiêu khích, đồng thời gửi những cảnh báo cũng như có những cử chỉ rất hung hăng.
Không chỉ có đá Chữ Thập, Trung Quốc còn bất chấp các chuẩn mực và quy tắc quốc tế để tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có tuyến vận tải thương mại hàng hải trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Hôm 6/5, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Biên giới và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc lớn tiếng cảnh báo những chỉ trích đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. |
Theo Quartz, Trung Quốc đang định gây ra một cuộc chiến ở Biển Đông bằng những cách sau:
Đầu tiên, tuyên bố chủ quyền bừa bãi.
Thứ hai, tạo các tiền đồn trên biển, và hướng tới việc biến chúng thành những căn cứ quân sự. Ở giai đoạn này, Trung Quốc vẫn chưa dùng các biện pháp quân sự.
Thứ ba, bày tỏ sự phẫn nộ đối với bất cứ ai đến gần những tiền đồn Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông. Qua thời gian, tự cho mình bị khiêu khích nhiều lần.
Thứ tư, các tiền đồn sắp trở thành một căn cứ quân sự thực sự. Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng gay gắt hơn đối với những hành động mà nước này cho là “khiêu khích”.
Thứ 5, các căn cứ quân sự đã hoàn thành, Bắc Kinh sẵn sàng gây chiến. Thậm chí, lúc này, Bắc Kinh có thể ghi chép một loạt các hành động Bắc Kinh coi là khó ưa để sử dụng khi cần thiết. Theo Quartz, Bắc Kinh sẽ tạo ra một cuộc xung đột bất cứ lúc nào.
Trung Quốc dùng tàu cá để quấy nhiễu láng giềng trên Biển Đông. |
Không chỉ dựa vào quân sự, Trung Quốc còn có một đội tàu cá lớn luôn luôn quấy nhiễu ở Biển Đông. Trong nhiều năm nay, Bắc Kinh đã chi rất nhiều tiền cho các tàu đánh cá để chúng hoạt động ở các khu vực đang tranh chấp hay thuộc chủ quyền của các nước láng giềng trên Biển Đông.
Bằng cách thiết lập trái phép nhiều tiền đồn để tăng cường kiểm soát Biển Đông, quân đội Trung Quốc tiếp tay dễ dàng hơn cho đội tàu của nước mình đánh bắt trái phép, dẫn đến những cuộc đối đầu với cảnh sát biển và hải quân láng giềng. Hành động này cũng buộc các nước láng giềng tăng cường lực lượng để đối phó Trung Quốc.
Do vậy, theo Quartz, đây cũng là một tiềm năng khiêu khích khác hay một nguồn khác để Trung Quốc tìm cớ gây chiến tranh trên Biển Đông.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc. |
Quartz cho rằng, không chỉ chuẩn bị cho các sự kiện khiêu khích, Trung Quốc còn đang khơi gợi tình cảm yêu nước không chính đáng ở Biển Đông. Một tàu chiến gần đây của Trung Quốc đã thuê cả các nghệ sĩ biểu diễn trong chuyến đi xâm phạm vào chủ quyền của Việt Nam và vùng các vùng biển đảo đang có tranh chấp khác.
Ở đá Chữ Thập, truyền thông Trung Quốc còn làm phóng sự về quá trình xây dựng trái phép của Bắc Kinh ở đây và tiếp tục khẳng định chủ quyền phi lý đối với lãnh thổ của Việt Nam. Tại đây còn có một đường băng phù hợp cho máy bay chiến đấu hoạt động.
Quartz đánh giá, Trung Quốc đang thực hiện đến bước thứ tư như đã đề cập ở trên là “các tiền đồn sắp trở thành một căn cứ quân sự thực sự và Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng gay gắt hơn đối với những hành động mà nước này cho là khiêu khích”.
Đúng như vậy, Trung Quốc phản ứng ngày càng gay gắt và phi lý.
Tháng 10/2015, khi một tàu chiến của hải quân Mỹ đi vào vùng biển quanh quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chỉ đơn giản cảnh báo và gọi đó là hành động vô trách nhiệm. Hôm 10/5, tàu khu trục tên lửa USS William P. Lawrence của hải quân Mỹ làm điều tương tự, Trung Quốc đã điều hai chiến đấu cơ và ba tàu chiến ra yêu cầu tàu Mỹ rời đi.
Không chỉ hành động gay gắt hơn, lời nói của Trung Quốc cũng mạnh mẽ hơn. Hồi tháng Tư, Bắc Kinh cảnh báo các nhà lãnh đạo G7 không thảo luận về Biển Đông và bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ sau khi G7 không làm theo yêu cầu đó.
Trong khi đó, hồi tuần trước, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo rằng, việc chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ chỉ có tác động ngược lại.
Vụ trưởng Vụ các vấn đề Biên giới và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc lớn tiếng cảnh báo, nếu những bình luận đó của G7 nhằm gây áp lực hay bôi nhọ Trung Quốc, thì nó sẽ hoạt động như một chiếc lò xo. Càng nhiều áp lực thì phản ứng càng gay gắt.
Theo Quartz, nói cách khác, Bắc Kinh đang thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và sẽ gán cho các hoạt động hàng hải bình thường trên Biển Đông là khiêu khích để làm cái cớ gây xung đột hay gây chiến tranh trên Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ tin tài chính Quartz (Mỹ), ra đời năm 2012, có trụ sở ở thành phố New York.