Báo chí quốc tế phản đối hành động của Trung Quốc ở Trường Sa
Tờ New Straits Times hôm 12/1 đưa tin trích dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho rằng việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm xuống đường băng mà họ xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập đã tạo môi trường không thuận lợi đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Đường băng Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập. |
Ngày 11/1, Bộ trưởng Anifah nhấn mạnh hành động trên của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước.
Ông Anifah nhấn mạnh điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tất cả các bên phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết chung, tăng cường lòng tin và tránh bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng.
Trong khi đó, tờ Bangkok Post với bài báo có tiêu đề “Những nguy cơ hàng không không cần thiết” cho rằng, căng thẳng lại một lần nữa gia tăng trong tranh chấp Biển Đông. Trong đó, tờ báo này nhấn mạnh, với tất cả những yêu sách nhằm sở hữu gần như toàn bộ khu vực, Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và kéo dài những nguy cơ xung đột không cần thiết và thực sự nguy hiểm.
Bangkok Post điểm lại các hoạt động cải tạo, xây dựng trái phép trong năm qua của Trung Quốc, khẳng định hành động này khiến các quốc gia láng giềng phản ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, bài báo nhấn mạnh về sự nguy hiểm trước mắt từ các chuyến bay đến và đi của Trung Quốc giữa lãnh thổ của họ ở Trung Quốc đại lục và đảo Hải Nam, tới những thực thể họ đang cải tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bài báo cho rằng, giới chức Bắc Kinh, trong một động thái rất nguy hiểm, đã coi các chuyến bay này như các tuyến đường nội địa. Không quân và các công ty dân sự Trung Quốc bay trên Biển Đông mà không hề thông báo.
Bài báo khẳng định, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam (CAAV) đã nói đúng rằng, những chuyến bay của Trung Quốc đã “đe dọa đến sự an toàn của những chuyến bay trong khu vực”. Việt Nam đã phản đối Trung Quốc và gửi thư thông báo về sai phạm của Bắc Kinh lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên hợp quốc (ICAO).
Trong khi đó, bài báo cũng đưa ý kiến của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, ông sẽ đưa vấn đề an toàn này ra ASEAN. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang xem xét thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và sẽ đòi hỏi tất cả các chuyến bay nước ngoài phải nhận dạng khi bay vào vùng Trung Quốc coi là lãnh thổ.
Hãng tin Kyodo trích dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm 13/1 cho biết Manila vừa chính thức trao công hàm phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc tới một đường băng do Bắc Kinh mới xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Trong một thông cáo bằng văn bản, ông Jose nói rằng Philippines phản đối Trung Quốc đã có "những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển Tây Philippines (Biển Đông)". Ông nhấn mạnh: "Những hành động đó của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".