Báo chí nhân văn bảo vệ giá trị tốt đẹp của đất nước
Đó là nhận định của bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại sao phải xây dựng nền báo chí nhân văn?
Trả lời câu hỏi “Tại sao phải xây dựng nền báo chí nhân văn”, Phó Cục trưởng Cục Báo chí dẫn Báo cáo tin tức số ấn bản thứ 10 năm 2021 được Viện Nghiên cứu báo chí Reuters công bố ngày 23/6 cho thấy: Niềm tin vào tin tức báo chí tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (tăng 6 điểm so với năm 2020, với 44% tổng số người được hỏi đặt niềm tin vào báo chí, dựa trên khảo sát trực tuyến 92.000 người ở 46 thị trường khác nhau).
Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
“Phải xây dựng nền báo chí nhân văn bởi vì giá trị của báo chí chính là những thông tin khách quan, trung thực, chính xác, nhân văn, bổ ích mà báo chí đã mang lại cho công chúng và xã hội. Tính chính xác, nhân văn là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và người dân”, bà Giang phân tích.
Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, xã hội hiện đại ngày nay đang có rất nhiều câu chuyện liên quan đến thân phận con người cần báo chí hướng đến, như: Môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân; biến đổi khí hậu, lạm phát giá cả, tai nạn giao thông, dịch bệnh...
Khi xã hội phát sinh những điểm nóng, người dân bức xúc vì đâu đó có việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, thì báo chí cần phản ánh với tinh thần xây dựng, không làm nóng thêm vấn đề, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để thông tin phản biện, kiến nghị chính sách, giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đó chính là thể hiện báo chí nhân văn, luôn hướng đến thân phận của người dân.
Sức mạnh của báo chí chính là niềm tin của người dân. Báo chí phải nói được tiếng nói của người dân, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Báo chí làm tốt điều này sẽ có được bạn đọc, từ đó được bạn đọc tin tưởng, gửi gắm, bộc lộ tâm tư, nguyện vọng. Và do đó, báo chí sẽ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
“Muốn làm được điều này, đòi hỏi cơ quan báo chí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm; không để bị chi phối, suy thoái trước những “cám dỗ”, làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí”, bà Giang lưu ý.
Giải pháp để xây dựng môi trường báo chí nhân văn
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, để xây dựng môi trường báo chí nhân văn trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh triển khai một số giải pháp.
Trong đó, đáng chú ý là đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân.
Củng cố và phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan báo chí; tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí đảm bảo hoạt động báo chí tuân thủ quy định pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích, coi trọng giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn của báo chí, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan báo chí.
Triển khai hiệu quả, thường xuyên, liên tục, thiết thực Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Phát huy vai trò của Hội đồng đạo đức báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động báo chí, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người làm báo; có cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển nguồn thu nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho người làm báo.
“Một nền báo chí nhân văn vì con người là nền báo chí có được niềm tin của bạn đọc. Đó chính là sức mạnh của báo chí”, bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.
Xuân Bách