Bác sĩ chỉ cách nhìn thân hình bên ngoài để đoán bệnh lý
Thừa cân béo phì là dư mỡ, tích tụ mỡ tại một số bộ phận, có thể gây nên tình trạng rối loạn chuyển hoá, rối loạn mỡ và các bệnh lý tim mạch…
Khi nào bạn béo phì?
TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết – BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay tình trạng thừa cân béo phì đang ngày càng tăng hơn ở Việt Nam. Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ nhất là mỡ vùng tạng gây ra nhiều hậu quả từ rối loạn chuyển hoá tới chức năng khác của cơ thể.
Trong thời gian qua, bác sĩ Nam cho biết có rất nhiều người bệnh tới gặp bác sĩ khi thấy cân nặng hơi dư. Một số người cảm thấy nặng nề hơn, thêm các bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên, khi trò chuyện thì tâm lý của rất nhiều người vẫn cho rằng cân nặng dư chút mới hợp với tâm thế của họ, phong độ của họ. Nhiều người cho rằng khi mập xinh hơn, đẹp hơn, có uy hơn. Đây là quan niệm rất sai lầm. Người bệnh thừa cân béo phì kéo theo cả loạt nguy cơ bệnh lý đi kèm.
TS Nam cho biết trước đây béo phì không được coi là bệnh nhưng hiện nay người ta thấy béo phì làm gia tăng nhiều hậu quả, triệu chứng và hiện tại người ta xem béo phì là bệnh lý.
Để tính chỉ số bạn có thừa cân béo phì hay không, theo bác sĩ Nam có thể đánh giá trên chỉ số BMI. Chỉ số BMI chuẩn được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành. Chỉ số khối cơ thể được tính theo công thức: BMI = W/ [(H)2]
Trong đó: BMI đơn vị thường dùng là kg/m2, W là cân nặng (kg), H là chiều cao (m).
BMI từ 18 – 23 được xem là bình thường không gia tăng nguy cơ rối loạn chuyển hoá và bệnh lý, BMI từ 23 – 25 thì rơi vào tình trạng thừa cân, BMI từ 25 trở lên gọi là béo phì. Béo phì có độ 1 và độ 2. BIM từ 25 – 30 là độ 1, trên 30 độ 2. Khi chỉ số cơ thể đến mức béo phì thì nguy cơ này sẽ gia tăng.
Vì vậy, TS Nam nhấn mạnh cân nặng càng tăng thì tỷ lệ bệnh lý càng tăng lên nhất là bệnh rối loạn chuyển hoá.
Nếu ở mức độ thừa cân hoặc béo phì nhẹ thì chưa ảnh hưởng nhiều nhưng nếu sang mức béo phì nặng thì sẽ rất nguy hiểm.
BS Quang Nam cho biết người dân có thể nhìn thân hình của mình để đánh giá nguy cơ bệnh lý bằng cách nhìn qua thân hình bề ngoài của chính mình, người ta thường chia ra như thân hình quả táo, quả lê.
Ảnh minh hoạ. |
Ví dụ thân hình quả táo tức mỡ tập trung ở bụng thì y khoa vẫn gọi vòng bụng càng to thì càng nhiều bệnh. Mỡ trong nội tạng tăng lên nhiều nó gây rối loạn chuyển hoá, mỡ phóng thích ra các chất gây viêm, rối loạn chuyển hoá mỡ, đường nên khi béo phì bụng gia tăng nguy cơ bệnh lý rất nhiều.
Thân hình quả lê khi đó mỡ tập trung vùng hông thì nguy cơ rối loạn chuyển hoá ít hơn. Chỉ số khối cơ thể cân nặng BMI không cao nhưng bụng to thì yếu tố nguy cơ tim mạch và rối loạn chuyển hoá sẽ tăng hơn. Nếu vòng eo nam trên 90 cm, nữ 80 cm thì sẽ mắc các bệnh lý chuyển hoá nhiều hơn.
Phải tính được năng lượng nạp vào và tiêu hao
Khi thân hình của mình hình quả táo chắc chắn người đó cần được tư vấn giảm cân, giảm mỡ. BS Nam cho rằng để giảm cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác, người bệnh cần tư vấn của bác sĩ. Nếu những người có bệnh lý tim mạch, thận… có thể bác sĩ sẽ hỗ trợ các thuốc kết hợp giảm mỡ, giảm đường.
Thứ nhất, bác sĩ Nam cho biết khi tư vấn cho người thừa cân béo phì các bác sĩ sẽ phải khuyên người bệnh tới gặp bác sĩ dinh dưỡng để hiểu hơn năng lượng bạn nạp hàng ngày có phù hợp với cơ thể không. Nếu không kiểm soát được năng lượng nạp vào sẽ rất khó kiểm soát được cân nặng.
Thứ hai, vận động làm sao để tiêu thụ năng lượng đưa vào. Năng lượng không được tiêu thụ sẽ chuyển hoá thành mỡ và tích tụ lại các vùng trong cơ thể làm rối loạn mỡ. Vì vậy, người thừa cân béo phì cần kiểm soát được năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.
Nếu bạn đảm bảo được chế độ vận động và dinh dưỡng thì sẽ giảm cân hiệu quả.
Với những người khó giảm cân nếu muốn dùng thuốc thì hết sức lưu ý. Đến nay tại Việt Nam chưa có nhiều thuốc giảm cân. Một số thuốc tiểu đường có tác dụng giảm đường và giảm cân nhưng tất cả thuốc này đều phải bác sĩ kê đơn và kiểm soát. TS Nam nhấn mạnh tốt nhất khi cần giảm cân, đưa cân nặng về mức bình thường thì bạn cần kiểm soát bệnh lý sẵn có của mình trước.
Khánh Chi