Bác sĩ chỉ cách 'đánh bay' tình trạng tóc bết, nhờn trong mùa hè
Tóc nhờn dai dẳng, mặc dù gội đầu thường xuyên, gây ra sự khó chịu cho hầu hết mọi người, đặc biệt gây phiền toái cho chị em khi mùa hè nóng nực bắt đầu.
Gội đầu thường xuyên mỗi ngày nhằm giảm tình trạng tóc bết (ảnh minh hoạ) |
Tình trạng tóc bết không chỉ làm chị em khó chịu mà còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ. Nhiều bạn than thở ngày nào cũng gội mà vẫn bị chê là đầu bẩn, không gội nên thấy tự ti và xấu hổ khi giao tiếp.
Nguyễn Phương Nga (Nam Từ Liêm) cho biết, tối nào đi làm về cô cũng gội đầu nhưng chỉ sau một đêm, sáng hôm sau cảm giác tóc đã nhờn rồi. Đến cơ quan, tóc cứ xẹp xuống, bóng nhờn, bết lại.
“Em chỉ dùng dầu gội, không dùng dầu xả thì đỡ. Nhưng do tóc xấu, nếu không dùng dầu xả thì lại bông xù, xỉa ra tứ tung. Thành ra cứ phải dùng dầu xả. Mùa đông tình trạng tóc bết còn đỡ lộ, nhưng mùa hè dù ngày nào cũng gội nhưng chỉ đến trưa là tóc lại bóng nhờn, mùi kém thơm”, Nga than phiền.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, BS Hà Linh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết tóc quá nhờn có thể là do tăng tiết bã nhờn, đây là một tình trạng da tương đối phổ biến.
Tăng tiết bã nhờn xảy ra khi các tuyến bã nhờn tạo ra dầu thừa, hoặc bã nhờn, làm cho da và da đầu nhờn rít. Hầu hết những người bị tăng tiết bã nhờn không có bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào.
Tuy nhiên, một số người có thể gặp tình trạng mất cân bằng hormone, gây ra tình trạng dầu nhờn khó kiểm soát.
Ngoài ra, loại tóc của một người cũng có thể ảnh hưởng đến độ nhờn của tóc. Theo đó, tóc thẳng hoặc tóc mỏng thường có vẻ nhờn hơn tóc xoăn hoặc tóc dày.
“Điều này là do bã nhờn từ da đầu có thể dễ dàng bao phủ toàn bộ sợi tóc nếu tóc thẳng hoặc mỏng”, BS Hà Linh thông tin.
Theo nữ bác sĩ này, nếu mọi người đang sử dụng các sản phẩm dành cho tóc chứa dầu hoặc sáp, những chất này có thể gây tích tụ dầu, tế bào da và mồ hôi trên tóc. Điều này có thể làm cho tóc bị nhờn ngay sau khi gội đầu.
Ngoài ra, dầu cũng có thể đến từ các vật dụng mà một người sử dụng trên tóc thường xuyên, chẳng hạn như khăn lau tóc, bàn chải hoặc lược chải tóc, mũ và khăn quàng cổ…
“Một số bằng chứng cho thấy các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc và da đầu. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy ô nhiễm không khí gây ra tình trạng da đầu nhờn ở những người sống ở thành phố, cùng với các vấn đề về da đầu khác như ngứa và gàu", BS Hà Linh thông tin.
Theo các chuyên gia da liễu, môi trường là yếu tố ảnh hưởng đến tóc một cách rõ ràng nhất. Thời tiết nắng nóng, hoạt động ngoài trời nhiều, tuyến bã nhờn và mồ hôi hoạt động mạnh mẽ sẽ kiến tóc bạn nhanh bị bết. Lúc này, các tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh hơn khi mà độ ẩm trong không khí tăng cao, tóc của bạn sẽ bị nhiều dầu và nhanh bết bẩn. Điều này thể hiện rõ nhất vào mùa hè, không khí nóng ẩm - khi mà bạn vừa gội đầu xong nhưng tóc lại bết rất nhanh.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có thể đóng một vai trò trong việc sản xuất bã nhờn dư thừa. Theo một bài báo năm 2016, sữa và chế độ ăn nhiều đường có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố androgen, ảnh hưởng đến lượng bã nhờn mà da sản xuất.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, theo BS Hà Linh phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể gây ra.
Trong đó, biện pháp kiểm soát lượng dầu thừa hoặc thay đổi thói quen chăm sóc tóc có thể hữu ích giúp chị em cải thiện tình trạng tóc bết.
Theo đó, những người có mái tóc thẳng hoặc tóc nhanh bị nhờn có thể cần gội đầu hàng ngày để loại bỏ dầu thừa bằng cách sử dụng các sản phẩm có chứa trà xanh có thể giúp kiểm soát nhờn cho tóc. Nếu có thể, gội đầu mỗi ngày một lần, hoặc ít thường xuyên hơn đối với những người có mái tóc dễ hư tổn.
Tóc nhờn sau khi gội có thể do thói quen chăm sóc tóc của mỗi người, sự sản xuất quá nhiều bã nhờn, các yếu tố môi trường hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Mọi người có thể giúp tóc hết nhờn nhanh chóng bằng cách sử dụng dầu gội làm sạch nhẹ nhàng, không gây nhờn cho tóc. Tránh các sản phẩm tạo kiểu tóc có chứa dầu hoặc sáp, vì những sản phẩm này có thể tạo ra cặn và tích tụ.
“Thường xuyên vệ sinh bàn chải, lược, khăn lau tóc, vỏ gối và mũ đội đầu. Ngoài ra, chị em cũng thử thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như chế độ ăn uống có hàm lượng đường huyết (GI) thấp. Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, mọi người có thể đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được điều trị thêm”, BS Hà Linh mách nước.
N. Huyền