Ba Vì tích cực triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”
Theo kế hoạch của huyện Ba Vì, đến năm 2020 có 25-30 sản phẩm được TP công nhận là sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2019 toàn huyện đã có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Cty CP Bánh sữa Ba Vì, đơn vị chủ lực sản xuất sản phẩm OCOP |
Đây là thông tin được ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì báo cáo tại buổi tiếp đoàn báo chí Trung ương và địa phương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học dẫn đầu tới làm việc tại huyện Ba Vì nhằm nghiên cứu thực tiễn mô hình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Ông Đỗ Quang Trung cho biết: Đến hết năm 2019 có huyện có 18/30 xã được TP công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã đã rà soát, đành giá các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tuy nhiên đều chưa đạt. Hiện nay Huyện ủy, HĐND, UBND đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã phấn đấu đến sau năm 2020 mỗi năm có 1-2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đến nay, qua rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM cho thấy 100% các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM. Có 6 tiêu chí đạt gồm quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM; 3 tiêu chí cơ bản đạt (y tế-văn hóa-giáo dục; sản xuất; môi trường).
Về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP). Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Theo kế hoạch của huyện, đến năm 2020 có 25-30 sản phẩm được TP công nhận là sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2019 toàn huyện đã có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao.
Hiện nay, các sản phẩm trên địa bàn huyện được phân bổ khá đồng đều trên các địa phương với nhiều sản phẩm đa dạng đã và đang được người tiêu dùng đón nhận như: Sữa, gà đồi, bò thịt, đà điểu, chè, khoai lang, miến dong, mật ong, rau, thanh long, chuối, bưởi, nhãn, thủy sản các loại… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 17 làng nghề truyền thống như chè, nón, thuốc nam, chế biến tinh bột; 5 vùng sản xuất rau tập trung; vùng nuôi trồng thủy sản 5 xã. Ngoài ra còn nhiều các sản phẩm du lịch trải nghiệm, văn hóa, làng họa sỹ nghề mộc... đây được coi là điều kiện tốt để phát triển kinh tế tại các địa phương.
Năm 2020 với mục tiêu đạt từ 16-20 sản phẩm được TP công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Ngày 21-5-2020 UBND huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức tập huấn cho Hội đồng thẩm định, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, lãnh đạo các phòng ban, các xã, thị trấn, các HTX, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia OCOP năm 2020 trên địa bàn huyện. Hiên nay có 11 chủ thể với 20 sản phẩm đã đăng ký đánh giá, xếp hạng năm 2020.
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND vẫn còn một số tồn tại trong công tác xây dựng NTM trên địa bàn như hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19; tiến độ thực hiện các dự án thành phần chậm so với kế hoạch đề ra; nguồn lực đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách còn hạn chế, chưa huy động và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Các xã chưa chủ động được nguồn lực để xây dựng NTM, mà vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn kinh phi hỗ trợ từ cấp trên.
Để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2020, thời gian tới huyện sẽ huyện sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí gần đạt và duy trì các tiêu chí đã đạt với 18 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới, thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổ chức khảo sát 6 nhóm sản phẩm để xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đánh giá xếp hạng 16-20 sản phẩm có tiềm năng của huyện. Phấn đấu có ít nhất 16 sản phẩm được TP công nhận đạt 3 sao trở lên.
N. Huyền