'Bà già' trong cơ thể người trẻ, nỗi ám ảnh của chị em nhưng nhiều người không biết
'Bà già' trong cơ thể người trẻ tuổi đôi mươi
Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa hiếm muộn cho thấy, rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đến khám tại bệnh viện và phát hiện nguyên nhân khó có con xuất phát từ hội chứng suy buồng trứng của người vợ.
Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hoá trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi.
Dù chưa có thống kê chính thức nhưng xu hướng trẻ hoá suy buồng trứng ngày càng tăng lên. Thậm chí có trường hợp “già hoá” ở ngay những cô gái, những phụ nữ mới ngoài 20 tuổi.
Ths. BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW), cho biết đã từng tiếp nhận ca bệnh hiếm muộn rất đặc biệt. Đó là nữ điều dưỡng (Thanh Hoá) mới 25 tuổi mà đã bị suy buồng trứng.
Bệnh nhân này rơi vào tình thế cực kỳ éo le khi 3 năm trước cô lập gia đình nhưng mới ra trường đang trong giai đoạn thử việc nên hai vợ chồng trì hoãn sinh con.
Hết thời gian thử việc, nữ điều dưỡng chuyển lên nhân viên chính thức của bệnh viện và bắt đầu có ý định sinh em bé. Hai vợ chồng “thả” thoải mái nhưng mãi … không thấy tin vui.
“Trong giai đoạn này, kinh nguyệt của tôi không đều, có chu kỳ kéo dài hơn 40 ngày nhưng có chu kỳ lại chỉ hơn 20 ngày. Tôi cũng không chú ý lắm nên bỏ qua … dấu hiệu này. Chỉ đến khi mãi không có con mới giật mình nghĩ 'mình có vấn đề' và đi khám”, nữ điều dưỡng chia sẻ.
Khi khám cho bệnh nhân T, bác sĩ Thành đã 'không tin vào mắt mình' vì trên hình ảnh siêu âm buồng trứng của bệnh nhân gần như không còn các nang trứng. Kết quả xét nghiệm hormone dự trữ buồng trứng AMH còn rất thấp, bệnh nhân được chẩn đoán mắc căn bệnh suy buồng trứng sớm.
"Lúc tôi thông báo bệnh nhân còn rất ít cơ hội làm mẹ do buồng trứng còn rất ít nang trứng, bệnh nhân đã bật khóc rồi ngất lịm. Khi tỉnh lại, nữ điều dưỡng không tin vào điều đó. Bệnh nhân vô cùng ân hận, day dứt, nghĩ rằng giá như mình đi khám sản phụ khoa sớm hơn thì đã được tư vấn và điều trị sớm hơn”, bác sĩ Thành kể.
Theo bác sĩ Thành, nếu bệnh nhân T đi khám lúc kinh nguyệt còn đều, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân nên sinh sản sớm hơn. Thời điểm bệnh nhân T tới khám, kinh nguyệt của bệnh nhân vẫn còn nhưng rất thưa thớt. Bệnh nhân vẫn còn trứng nhưng vài tháng mới có được 1 quả.
“Ngay lập tức, chúng tôi đã cho bệnh nhân dùng thuốc kích trứng, động viên bệnh nhân bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Bệnh nhân theo dõi suốt nhiều tháng. Sau khoảng 3 chu kỳ kinh, bệnh nhân đã có thai tự nhiên.
Đây là bệnh nhân may mắn vì đến khám khi chưa bị mãn kinh hoàn toàn nên bác sĩ mới có thể can thiệp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân này để thêm 1-2 năm nữa mới đi khám sẽ mãn kinh, không thể sinh sản và nguy cơ lão hoá nhanh", bác sĩ Thành nói.
Hiện nữ điều dưỡng đã có “trái ngọt”, tuy nhiên, BS Thành cho biết chị vẫn sẽ phải tiếp tục điều trị bổ sung hormone thay thế.
Bởi nếu không thực hiện bổ sung nội tiết thì người phụ nữ trẻ này sẽ giống như 'bà già' dù mới ở tuổi đôi mươi. Bệnh nhân sẽ mãn kinh ở 27 tuổi và điều này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề với bệnh nhân: ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, giảm ham muốn, nguy cơ mắc nhiều bệnh lý tim mạch, huyết áp, tuyến giáp…
Khi nào thì phụ nữ “cạn đáy”?
BS Chí Thành cho biết thêm, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới với hai chức năng cơ bản: nội tiết để sản xuất ra các hormon sinh dục, quy định các đặc tính sinh dục - sinh lý nữ và ngoại tiết để sản xuất trứng phục vụ cho quá trình sinh sản. Một buồng trứng hoạt động bình thường sẽ giúp cho người phụ nữ có đời sống sinh dục, sinh lý và sinh sản bình thường.
Với nam giới, tinh trùng được sản xuất liên tục từ lúc dậy thì giúp đời sống sinh sản của người đàn ông rất dài, thậm chí đến lúc tuổi già nếu vẫn quan hệ được.
Phụ nữ thiệt thòi hơn khi ngay từ lúc còn là bào thai khoảng 20 tuần, sự phân chia gia tăng số lượng trứng ở hai buồng trứng đã dừng lại và mỗi phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 đến 2 triệu trứng. Số lượng này sẽ giảm dần và khi bước vào tuổi dậy thì chỉ còn khoảng 300.000 – 400.000 trứng.
Mặt khác, theo chu kỳ kinh hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hóa dần làm cho số lượng nang trứng dự trữ giảm dần. Thường là sau 45 tuổi, khi đó, số lượng nang trứng giảm đến mức “cạn đáy” và phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Khi đó, người phụ nữ không còn khả năng sinh sản vì không còn nang trứng dự trữ, đồng thời sự sản xuất các hormon sinh dục nữ giảm sút làm suy giảm các hoạt động sinh lý nữ.
Qua trường hợp của bệnh nhân T, bác sĩ Thành khuyên với những cặp đôi đã lấy nhau, nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khoẻ sinh sản trước. Đối với các trường hợp có nguy cơ mãn kinh sớm thì bắt buộc phải điều trị nội tiết tố thay thế để không bị lão hoá sớm.
Hiện nay, trước xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn hơn trước (có người sau 35 tuổi), bác sĩ Thành khuyên các chị em có ý định lập gia đình muộn nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng của mình còn tốt hay không. Với những phụ nữ có khả năng tài chính tốt, muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể chọn phương án trữ trứng.
Làm gì để hạn chế suy buồng trứng sớm?
– Luôn giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để ngăn chặn những căn bệnh phụ khoa có thể gây hại đến buồng trứng.
– Không lạm dụng các loại thực phẩm có tính kích thích.
– Luôn giữ cân bằng tâm lí trong công việc, cuộc sống.
– Nên thăm khám phụ khoa thường xuyên hoặc theo định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.
– Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, giúp tăng cường estrogen và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể…
N. Huyền