Bà bầu nào dễ bị bong rau non, nguy hiểm thế nào?
Đến bây giờ vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà (Phan Văn Trị, Gò Vấp, TP.HCM) vẫn không thể nào quên ca cấp cứu nhớ đời. Chị Hà cho biết chị mang thai lần thứ hai được 34 tuần. Nửa đêm, chị Hà bỗng thấy bụng đau dữ dội, bụng cứng đờ. Cơn đau gồng cứng bụng chị Hà còn không thể ngồi được. Hai vợ chồng chị vội vàng vào bệnh viện cấp cứu không kịp thay quần áo hay mang gì. Chồng chị Hà vội vàng mang được cái ví và điện thoại.
Vào tới nơi, bác sĩ vội siêu âm, chỉ trong vòng 5 phút bác sĩ đã đẩy vào phòng mổ. Hai vợ chồng chị Hà không biết chuyện gì đang xảy ra. Chồng chị chỉ được bác sĩ thông báo “mổ cấp cứu, may vào viện sớm chứ chậm vài phút thì không ai cứu được”. Đến khi cấp cứu thành công, cả mẹ và bé đều an toàn chị Hà mới được bác sĩ thông báo chị bị bong nhau non.
Theo TS BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM, phụ nữ mang thai khi đủ 9 tháng 10 ngày họ sẽ chuyển dạ, đau bụng sinh con xong bánh nhau mới bong ra. Còn bong nhau non là bong sớm hơn trong lúc mang thai khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Nhiều trường hợp trong giai đoạn chuyển dạ, em bé chưa sinh ra đã bong nhau non. Nhau bong sớm hơn so với sinh lý bình thường. Phụ nữ mang thai bất ngờ bị chấn thương cũng có thể gây bong nhau non.
Dấu hiệu của bong nhau non, BS Trung cho biết sản phụ mang thai chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhưng tự nhiên đau bụng dữ dội, đau không theo cơn, có thể ra khí huyết hoặc không có. Bụng đau cứng căng như gỗ. Thai phụ cảm nhận cơn đau không có thời gian giảm đau,mức độ đau, cường độ đau, thời gian đau dữ dội hơn. Diễn biến của bong nhau non vô cùng đột ngột.
Theo nghiên cứu của TS Trung và các nghiên cứu sinh có những trường hợp chỉ còn 20 phút để đưa thai nhi ra ngoài nếu không thai nhi sẽ tử vong.
Cũng có trường hợp bong nhau non thể ẩn, khi khám bác sĩ không phát hiện được. Trường hợp này sản phụ có thể sinh thường nhưng quan sát bánh nhau thấy có bất thường như máu tụ, chuyển dạ nhanh hơn bình thường.
Bánh nhau có vai trò trao đổi chất của bà mẹ và thai nhi. Nhau bong ra thì đường truyền bao gồm dinh dưỡng của mẹ và các chất độc từ trong em bé thải ra qua đường dây rốn của bánh nhau bị cắt đứt, em bé có thể tử vong tức thì.
Với bà mẹ, bong nhau non tạo ra khối máu tụ kích hoạt các phản ứng về huyết học khiến bà mẹ bị rối loạn đông máu, dễ bị máu không đông, băng huyết lúc sinh con, lúc mổ. Bong nhau non còn làm cơ tử cung tổn thương khó co bóp sau sinh được nên nguy hiểm cho bà mẹ.
BS Trung cho biết nhau bong non thường hay xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, người có tiền sử bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, đa sản, bệnh lý tiền sản giật…Tuy nhiên không phải ai bị tiền sản giật cũng bị bong nhau non nhưng đây là các yếu tố cần theo dõi sát.
Dự phòng bong nhau non, theo BS Trung chúng ta chỉ dự phòng qua các yếu tố nguy cơ. Ví dụ bạn có tiền sử huyết áp cao cần được tư vấn từ các dấu hiệu nguy cơ nhau bong non. Các bác sĩ cũng dự phòng cho phụ nữ cho bệnh nhân có nguy cơ cao tiền sản xuất, tăng huyết áp bằng uống aspirin mỗi viên/ngày để dự phòng bệnh từ lúc thai nhi mới 12 – 13 tuần tới qua 28 tuần, ở Việt Nam có thể cho thai phụ uống thuốc này tới 34 tuần để dự phòng.
TS Trung khuyến cáo thêm phụ nữ có các yếu tố trên cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ, nếu thấy bất thường cần vào viện nhanh nhất có thể.
Khánh Chi