ATTP tại chợ truyền thống vấn đề “biết rồi” nhưng vẫn khó giải quyết
Với gần 500 chợ cung cấp hàng hóa thực phẩm khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, tại các chợ truyền thống này vấn đề ATTP vẫn là những mối lo.
ATTP tại chợ truyền thống vấn đề “biết rồi” nhưng vẫn khó giải quyết |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Ngoài ra, có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam ở quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán).
Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Theo tính toán, tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhằm giám sát chặt chẽ ATTP đã có 310/454 chợ trên địa bàn thành phố được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai các hoạt động kiểm nghiệm nhanh về ATTP tại các chợ truyền thống này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý thành phố, hoạt động tại các chợ truyền thống vẫn còn nhiều mối lo.
Ông Nguyễn Huy Đăng, PGĐ Sở NN & PTNN Hà Nội cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém… Với đặc thù là nơi bày bán nhiều thực phẩm thiết yếu, từ đồ tươi sống đến thức ăn chín, vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP tại các chợ gặp không ít khó khăn.
Do đó tình trạng nước thải không được quét dọn, thu gom, xử lý; thực phẩm chế biến sẵn (đồ ăn đã nấu chín) không có nắp đậy, được bày bán cạnh thực phẩm tươi sống... khá phổ biến tại các chợ.
Mặt khác, sự hiểu biết các quy định về ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế, tình hình mất ATTP vẫn có nguy cơ xảy ra; thói quen tiêu dùng và nhận thức về vệ sinh ATTP của đa số người dân tại các chợ truyền thống còn dễ chấp nhận việc dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh ATTP.
Trước thực trạng này, đại diện Sở NN & PTNT cho biết thời gian tới các cấp, các ngành thành phố cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tích cực tham mưu để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý ATTP, nhất là quản lý các chợ truyền thống.
Trong đó, phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp chính quyền cơ sở, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể. Cùng với đó, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ không kinh doanh buôn bán hàng hóa không bảo đảm ATTP trong chợ; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, đồng thời, thay đổi thói quen tiêu dùng thông minh.
Song song thực hiện các giải pháp trên, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP; thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh, qua đó nâng cao nhận thức về ATTP.
Các hộ kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về ATTP; có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh. Sở cũng sẽ tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động chuyên ngành và liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, trong đó, chú trọng các thực phẩm có nguy cơ cao như nhóm hàng nông sản tươi sống. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh ATTP.
Một trong những giải pháp hữu hiệu nữa cũng được Sở NN&PTNT tích cực phối hợp triển khai là thực hiện xây dựng văn minh thương mại tại các chợ, từng bước quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa ra vào chợ; bố trí kinh phí cho việc tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích mẫu; trang thiết bị, cơ sở vật chất còn lạc hậu, chưa đồng bộ để phục vụ công tác kiểm tra, phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm trong chợ truyền thống. Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị… tại các chợ đã xuống cấp, nhất là tại các chợ đầu mối phục vụ tốt hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATTP nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
H. Anh
Vì sao học sinh ăn cánh gà rán lại ngộ độc?
Vi khuẩn gây ngộ độc hàng loạt salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ nào?
Salmonella nhiễm vào thực phẩm như thế nào?
Nghiện món vạn người mê, cụ bà bị kén sán ken đặc khắp cơ thể
Hà Nội tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phòng chống thuốc giả
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cách chọn bánh trung thu an toàn
Chống thuốc và thực phẩm chức năng giả, cần sự đồng hành của người tiêu dùng
Mỳ xốt tôm chua cay bị Đài Loan trả lại để tiêu huỷ, chất Ethylene Oxide độc hại ra sao?
Mua mỹ phẩm ở chợ, bệnh nhân nhập viện cầu cứu bác sĩ
Theo các bác sĩ da liễu nhiều người tin tưởng lời quảng cáo mua mỹ phẩm về dùng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ra thông báo về Chương trình thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani của Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam.