ASEAN – Australia tăng cường thêm nỗ lực chống lại nạn buôn người
Theo tạp chí The Diplomat, hồi tuần trước, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đã kêu gọi xây dựng mối quan hệ hợp tác mới với ASEAN nhằm chống lại tình trạng buôn người ở khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Thái Lan. |
Trong đó, "Sáng kiến Chống lại nạn buôn người giữa ASEAN – Australia" được đầu tư số tiền 54 triệu USD trong vòng 10 năm. Mục tiêu của sáng kiến là huấn luyện, đào tạo cho cảnh sát và các thẩm phán phục vụ cho công tác điều tra, xét xử các mạng lưới tội phạm.
Bà Payne nhấn mạnh, sáng kiến này cũng sẽ hỗ trợ cho các cuộc điều tra quốc tế chung nhằm giải cứu các nạn nhân, cũng như đảm bảo những kẻ buôn người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cũng theo Bộ trưởng Payne, tồn tại nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia, từ tham nhũng cho tới tình trạng bất bình đẳng ở trẻ em và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác. Thực tế cho thấy, nhu cầu về lao động giá rẻ gia tăng, đặc biệt trong nghề đánh cá và xây dựng, cũng đã phần nào tạo cơ hội cho mạng lưới buôn người ở khắp Đông Nam Á phát triển.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư cho "Sáng kiến Chống lại nạn buôn người giữa ASEAN – Australia" là một phần trong cam kết của Canberra về việc hợp tác với các nước thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu mang lại giá trị chung cho hai bên.
Theo số liệu thống kế của Tổ chức Lao động quốc tế hồi năm 2016, ước tính 40,3 triệu người trên toàn thế giới được xem là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục. Đây là con số đáng báo động đối với tình trạng buôn người trên thế giới mà trong đó có tới 70% nạn nhân là người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vấn nạn buôn người ở Đông Nam Á cũng từng là tâm điểm nằm trong bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu năm nay.
Dù vấn nạn buôn người ở Đông Nam Á là vấn đề nổi cộm trong khu vực, nhưng đây cũng là vấn đề vô cùng phức tạp và khó khăn đối với lực lượng cảnh sát. Bởi ban đầu, nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người đồng thuận đi di cư để tìm kiếm việc làm nhưng sau đó chỉ khi được đưa tới tận nơi, họ mới nhận ra mình đã bị lừa và trở thành đối tượng bị bóc lột. Theo Diplomat, việc xây dựng cơ sở pháp lý để áp dụng với mọi loại hình buôn người là rất khó đặc biệt là đối với những quốc gia vốn lỏng lẻo trong luật lao động và kinh tế kém phát triển.
Do đó, "Sáng kiến Chống lại nạn buôn người giữa ASEAN – Australia" được hình thành nhằm “củng cố hệ thống pháp lý chống lại nạn buôn người ở các nước trong khu vực thay vì chỉ tăng cường tập trung bảo vệ và ngăn chặn tình trạng này gia tăng”.
Theo Australia, việc ngăn chặn nạn buôn người là việc làm cần thiết ban đầu để chống lại nạn buôn người và việc xây dựng thêm các khung pháp lý sẽ hỗ trợ giải quyết và giám sát tình trạng này. Trên hết, mục tiêu hàng đầu của "Sáng kiến Chống lại nạn buôn người giữa ASEAN – Australia" là hỗ trợ các nước thành viên ASEAN hoàn thành mục tiêu đã đề ra nhằm hướng tới Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người (ACTIP). Văn kiện này thể hiện cam kết của ASEAN về quyền của các nạn nhân buôn người được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế và các Công ước quốc tế liên quan.
Công ước ACTIP gồm 7 Chương, 31 Điều, quy định mục đích, phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, quyền tài phán, hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa, chống hành vi mua bán người, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua hội đàm và thương lượng giữa các quốc gia thành viên thông qua kênh ngoại giao hoặc các biện pháp hòa bình khác nhằm đạt được thỏa thuận.
Mục đích của Công ước ACTIP nhằm phòng, chống có hiệu quả nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và trừng phạt hành vi mua bán người; bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân; thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia thành viên.
Theo Diplomat, "Sáng kiến Chống lại nạn buôn người giữa ASEAN – Australia" là dấu hiệu cho thấy Australia tiếp tục đẩy mạnh những cam kết với ASEAN. Đây cũng là những nội dung từng được đề cập trong Tuyên bố Sydney vào tháng 3/2018.
Trong đó, Tuyên bố Sydney nhấn mạnh Australia và ASEAN đã đẩy mạnh mối quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2014 và không ngừng phát triển mối quan hệ này để “tăng khả năng chia sẻ công việc nhằm tạo ổn định và thịnh vượng chung cho người dân trong khu vực”.
Tuyên bố Sydney còn nhấn mạnh thêm cam kết bình đẳng giới và trao thêm quyền cho phụ nữ. Trong bối cảnh, 75% nạn nhân của nạn buôn người là phụ nữ và trẻ em, do đó "Sáng kiến Chống lại nạn buôn người giữa ASEAN – Australia" một lần nữa chứng minh cam kết của Australia trong việc giải quyết sự bất bình đẳng giới.
Trong những năm gần đây, Australia không ngừng có những nỗ lực tăng cường mối quan hệ chiến lược với ASEAN. Nói cách khác, Australia hiện xem Đông Nam Á chính là một khu vực cực kỳ quan trọng đối với tương lai của quốc gia này.