APEC thông qua các ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
Đối thoại cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số diễn ra trong bối cảnh thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu, với sự tiến bộ công nghệ; sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất; ngày càng tăng nhu cầu các nghề và kỹ năng mới và những thay đổi phát sinh trong quan hệ lao động. Công nghệ và số hóa hứa hẹn nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế và tạo thêm việc làm tay nghề cao, đem đến những cơ hội to lớn về kinh tế - xã hội cho tất cả các nền kinh tế. Việc ứng dụng số hóa và kỹ thuật tự động hóa không những có thể nâng cao năng suất lao động mà còn tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới.
![]() |
Họp báo kết thúc Đối thoại cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số |
Tại Đối thoại, đại diện các nền kinh tế APEC đã thông qua khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Khuôn khổ này đề xuất một nhóm các định hướng chính sách và biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế trong việc chuẩn bị cho người lao động tham gia thị trường việc làm đối phó với những cơ hội và thách thức việc làm hôm nay và về sau. Đối với những thách thức và cơ hội liên quan đến số hóa, quan trọng là APEC phải được sử dụng như một Diễn đàn khu vực để đối thoại chính sách và hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Khuôn khổ này cũng bổ sung cho các sáng kiến hiện hành của APEC như: Chiến lược giáo dục APEC về cải cách nền giáo dục và góp phần vào nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về “ Thế kỷ việc làm tương lai” và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu 4 về đảm bảo giáo dục có chất lượng, hòa nhập, bình đẳng cho mọi người và thúc đẩy học tập suốt đời và Mục tiêu 8 về tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm, chia sẻ tương lai chung của khu vực chúng ta.
Mục tiêu cụ thể của Khuôn khổ này nhằm cung cấp định hướng chính sách cấp cao tăng cường hợp tác khu vực về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; vạch ra các thách thức chung về chính sách phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thay đổi công nghệ; xác định và tiến hành các hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên nơi APEC có thể đóng góp giá trị bổ sung. Các lĩnh vực và hoạt động ưu tiên như: tương lai việc làm trong kỷ nguyên số và hàm ý chính sách thị trường lao động; giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề; an sinh xã hội.
Khung thời gian đề xuất để thực hiện Khuôn khổ này là từ năm 2017 đến năm 2025, sẽ được các Bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực đánh giá lại vào năm 2022.
Các đại diện 21 nền kinh tế đã thông qua Tuyên bố chung của đối thoại cao cấp về phát triển nguồn nhân lực của kỷ nguyên số.
Việc thực hiện các lĩnh vực và hành động ưu tiên thông qua các Diễn đàn hợp tác chủ yếu thông qua Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực và bổ trợ cho các Tuyên bố cấp Bộ tưởng như: Tuyên bố cấp Bộ trưởng APEC về giáo dục thông qua tại Lima, Peru năm 2016 và Tuyên bố cấp Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực thông qua tại Hà Nội năm 2014, bao gồm: Tăng cường hợp tác thông qua phối hợp, đại diện và đối thoại xã hội; Khuyến khích sự kết nối với các sáng kiến khác của APEC; Thúc đẩy sự kết nối với các nhóm công tác khác của APEC.
Kết thúc Đối thoại, đại diện cho Chủ nhà APEC 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội đã tổ chức buổi họp báo nhằm thông báo kết quả và các đánh giá xung quanh chương trình làm việc của các nhóm công tác liên quan đến nguồn nhân lực.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Ngọc Diệp đã tóm tắt lại các đóng góp của Việt Nam với vai trò là chủ nhà APEC 2017 cũng như các sáng kiến xây dựng các chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực của các nền kinh tế thành viên APEC trong thời đại kỹ thuật số. Thứ trưởng Doãn Ngọc Diệp cũng đã có những đánh giá tổng quát về tương lai thị trường việc làm tại các nền kinh tế thành viên APEC, từ đó đưa ra dự đoán về xu hướng đào tạo nghề và xác định vai trò của APEC đối với việc cùng các nền kinh tế thành viên định hướng chính sách nguồn nhân lực trong tương lai. “Công việc của APEC là cùng nhau nhận diện, đánh giá, phân tích đâu là nhóm nghề tiếp tục phát triển, đâu là kỹ năng mới mà người lao động cần thích nghi”, Thứ trưởng Doãn Ngọc Diệp cho biết.
Trước đó, từ ngày 11 - 12/5/2017 đã diễn ra Hội thảo APEC tương lai việc làm và tác động tới thị trường lao động và Hội thảo giáo dục và đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội. Các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về những thách thức phải đối mặt với thế giới việc làm đã được đưa ra trong Sáng kiến ILO vào năm 2015, bao gồm: i) tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; ii) toàn cầu hóa và sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hoá; iii) các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương, với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động. Sự gia tăng việc làm phi chính thức và dễ bị tổn thương sẽ là những thách thức khi các nước trong khu vực phải đấu tranh để đảm bảo việc làm bền vững. Đồng thời, trong 02 ngày 13 - 14/5/2017 đã diễn ra cuộc họp trù bị cho Đối thoại cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và các sự kiện liên quan và cuộc họp lần thứ 42 Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực APEC.