Ankara phẫn nộ vì các lệnh trừng phạt ‘thiên vị’ của EU
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không chấp nhận lập trường thiên vị và bất hợp pháp của Liên minh châu Âu (EU) sau khi các nhà lãnh đạo của khối mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kế hoạch trừng phạt của EU. (Ảnh: Reuters) |
Tờ Hürriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, đại diện chính thức của Ankara bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với khối để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc thăm dò trữ lượng khí đốt ở Địa Trung Hải. Đồng thời, Ankara kêu gọi EU đóng vai trò hòa giải trong tranh chấp với Hy Lạp và Síp về việc thăm dò khí đốt ở Địa Trung Hải.
Theo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, các biện pháp hạn chế đối với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ được EU mà cả Mỹ chấp nhận sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và có thể dẫn đến phá hoại quan hệ giữa các bên.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi các chính trị gia Mỹ và châu Âu “thoát khỏi ảnh hưởng của các hành lang chống Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo ông Erdogan, không có vấn đề nào không thể giải quyết thông qua đối thoại và hợp tác.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Ankara đã được thông qua vì sự đoàn kết với Hy Lạp và Síp. Đại diện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý rằng hai quốc gia này đã “lạm dụng” các nguyên tắc đoàn kết và quyền phủ quyết, do đó khiến quan hệ châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào “vòng luẩn quẩn”.
“Tình hình gây thiệt hại cho lợi ích chung của Thổ Nhĩ Kỳ và EU, cũng như hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Liên minh châu Âu phải đảm nhận vai trò của một nhà hòa giải trung thực, phải hành động một cách có nguyên tắc, chiến lược và hợp lý”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan, cũng kêu gọi Brussels hợp tác trong các vấn đề khu vực. “Các cuộc khủng hoảng và vấn đề trong khu vực của chúng ta chỉ có thể được giải quyết thông qua đoàn kết và hợp tác”, ông Kalin nói.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ “đã tham gia vào các hành động đơn phương và khiêu khích, đồng thời có những luận điệu chống lại EU”.
Các nhà lãnh đạo khối đã chỉ thị cho người đứng đầu EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell chuẩn bị một báo cáo về tình hình quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại EU-Thổ Nhĩ Kỳ và đề xuất các hành động tiếp theo. Tài liệu dự kiến được đệ trình vào tháng 3/2021.
“27 nước EU đang đấu tranh để thống nhất cách tốt nhất đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp và Síp đang thúc đẩy các hạn chế chặt chẽ hơn. Nhưng các nước khác lo ngại rằng các biện pháp này sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế vốn đã bị tàn phá và gây mất ổn định khu vực”, Hürriyet Daily News kết luận.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này “không quan tâm lắm đến bất cứ quyết định trừng phạt nào của EU”. “EU chưa bao giờ đối xử trung thực với chúng tôi và chưa từng giữ bất cứ lời hứa nào mà họ đưa ra, song chúng tôi vẫn luôn kiên nhẫn từ trước tới nay”, ông Erdogan nói.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ các biện pháp trừng phạt mới mà EU đang chuẩn bị nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Brussels sẽ không còn chấp nhận những hành động gây bất ổn trong quỹ đạo của mình. Tuy nhiên, theo ông Macron, EU vẫn sẵn sàng đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels.
Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ, ứng cử viên gia nhập EU, và Hy Lạp (một thành viên EU) đã nảy sinh bất đồng về vùng lãnh thổ tại Đông Địa Trung Hải được cho là có nhiều khí đốt. Việc Ankara cử một tàu thăm dò và nhiều tàu của hải quân đến vùng biển tranh chấp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Athens và các nước còn lại trong EU.
Thanh Bình (lược dịch)