Ấn Độ: Phụ huynh giận dữ vì trường học mở cửa bất chấp khói độc
Theo các quan chức chính phủ Ấn Độ, mức độ ô nhiễm của New Delhi trong những ngày gần đây cao hơn gấp 30 lần so với mức an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. |
Tuần trước, Bộ Y tế Ấn Độ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi khói bụi độc hại bao trùm khắp thủ đô New Delhi và nhiều nơi khác ở miền Bắc Ấn Độ, buộc các nhà chức trách phải đóng cửa trường học, cấm xây dựng và cấm xe tải vào các thành phố bị khói bụi.
Đến ngày 13/11, chính quyền mở cửa lại các trường học vì lo ngại việc đóng cửa thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới các kỳ thi sắp tới. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các bậc cha mẹ.
Ông Ashok Agrawal, Chủ tịch Hiệp hội Phụ huynh Ấn Độ cho hay: "Mức độ ô nhiễm không hề giảm đi. Nếu tình hình vẫn như vậy thì nên tiếp tục đóng cửa trường học. Tại sao lại mở cửa trường học ?”.
Ông nói thêm: “Một mặt chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ, mặt khác họ đang đùa với sức khoẻ của trẻ. Thật đáng lo ngại khi nhiều trẻ em sẽ bị ho và thở khó khăn khi đi học”.
Hôm nay (13/11), mức PM2.5 (hạt vật chất nhỏ) đã vượt qua ngưỡng 500, mức rất nguy hiểm. Các hạt nhỏ và nguy hiểm nhất này có thể xâm nhập sâu vào phổi, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Các bác sĩ cho hay, trẻ em rất dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí và điều này có thể gây tổn thương phổi lâu dài.
Ông Ajay Lekhi, bác sĩ kiêm Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Delhi nhấn mạnh: "Trẻ em dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí hơn người lớn. Trẻ hít thở không khí nhiều hơn cho mỗi cân nặng, vì vậy việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm của chúng sẽ lớn hơn rất nhiều so với người lớn”.
Ô nhiễm không khí tăng ở miền Bắc Ấn Độ và Pakistan vào đầu mùa Đông, khi nông dân đốt đồng ruộng sau thu hoạch.
Trong khi đó, tại Delhi, các nhà máy sản xuất, các nhà máy nhiệt điện đốt than và số lượng ô tô ngày càng tăng đã khiến không khí ô nhiễm trầm trọng hơn.
Theo một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014, Delhi hiện nay là thủ đô bị ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới, với mức độ ô nhiễm thường xuyên vượt qua Bắc Kinh, Trung Quốc.