6 tháng đầu năm 2020, Đường dây nóng 111 tiếp nhận gần 1.300 cuộc gọi tư vấn phòng, chống mua bán người
Số lượng cuộc gọi đến Đường dây nóng 111 nhiều nhất đến từ khu vực miền núi phía Bắc, trao đổi những thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người. Đáng chú ý, có 0,9% người gọi tới Tổng đài là nạn nhân của nạn mua bán người.
Theo Báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người sang Trung Quốc. Từ đầu năm 2016 đến năm 2019, các lực lượng chức năng phát hiện 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc, với 1.187 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. Các đối tượng thường lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, qua lại biên giới, quan hệ lâu đời giữa hai nước, nhất là các địa phương biên giới; khó khăn kinh tế, thiếu việc làm, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, để lừa bán sang Trung Quốc.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.
Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ, Cục Trẻ em được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã xây dựng Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người – số điện thoại 111.
Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ nạn nhân. |
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, Cục Trẻ em phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Cục Phòng chống tội phạm ma túy- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội LHPNVN xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng 111.
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ, TB & XH), trong 6 tháng đầu năm 2020, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tiếp nhận 1.290 cuộc gọi, tăng 526 cuộc so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 1.120 cuộc gọi đến đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của Đường dây nóng phòng, chống mua bán người; 143 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, trong đó, nội dung tư vấn chủ yếu là: tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ tài chính, y tế, pháp lý, tư vấn tâm ly cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân; 27 ca chuyển tuyến, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.
Đối tượng gọi đến Tổng đài phần lớn là người dân (86,9%); thứ hai là người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán (7%); các cán bộ địa phương, cơ quan báo chí trao đổi những thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người (5,3%); có 0,9% người gọi tới Tổng đài là bản thân nạn nhân của mua bán người.
Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi phía Bắc, chiếm tỷ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Thứ hai là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung Bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5,9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1%.
Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước... dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong việc phòng, chống mua bán người thông qua Đường dây nóng 111, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tăng cường các hoạt động truyền thông về Tổng đài 111 ở khu vực biên giới để cán bộ, nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em biết và được tư vấn, trợ giúp của Tổng đài.
Có kế hoạch điều tra cơ bản, xác minh địa bàn trọng điểm để có Kế hoạch phòng ngừa phù hợp với từng địa phương, kiềm chế thấp nhất số vụ mua bán người.
Nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp tham gia công tác phòng, chống mua bán người. Mở rộng hoạt động Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.
Tăng cường kết nối giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng, chống buôn bán người. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán.
Để công tác xác minh, xác định và tiếp nhận nạn nhân được nhanh chóng và hiệu quả, cần xây dựng, thống nhất với các nước có nhiều nạn nhân bị mua bán về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân.
P.Liên