Vốn tín dụng giúp 6,3 triệu hộ gia đình vượt nghèo; hơn 5,9 triệu lao động có việc làm
Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn
Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngưng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước từ 17% xuống 2,23% giai đoạn 2001-2021.
Đồng thời, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng.Điều này thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.
Đến 30/11, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng. Gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Nhiều người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ tín dụng ưu đãi
Tại tỉnh Bắc Giang, từ 3 chương trình tín dụng ban đầu (cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) với dư nợ 227 tỷ đồng, đến nay NHCSXH tỉnh lại đang thực hiện 20 chương trình như: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì tạo việc làm; trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi; hộ nghèo về nhà ở...
Nhờ đó đã giúp gần 177 nghìn lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 58 nghìn lao động; gần 154 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, mua thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ xây mới, xây dựng, sửa chữa hơn 10 căn nhà cho hộ nghèo.....
Tại Nghệ An, năm 2022, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 78.688 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó có 10.409 hộ nghèo, 15.878 hộ cận nghèo, 4.841 hộ mới thoát nghèo và 2.330 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh. Có 8.299 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, 25.134 gia đình khác tại vùng nông thôn vay vốn cải tạo/xây mới công trình chứa nước sạch, công trình vệ sinh...
Bên cạnh đó, có 33 lượt doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, 67 cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn phục hồi sau đại dịch COVID-19,… Tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022, giúp cho 23,8 ngàn hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo.
Tại Hải Dương, năm 2003, thực hiện Nghị định 78, NHCSXH tỉnh thực hiện 2 chương trình cho hộ nghèo vay, nhận bàn giao từ Ngân hàng Agribank tỉnh và chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn của hệ thống đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng gấp hơn 16 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,7%/năm.
Hiện NHCSXH tỉnh đã thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 16 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 17,6%/năm.
Trong 20 năm qua, gần 750.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách khác trong tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn chính sách. Đến ngày 30/9/2022, Hải Dương còn hơn 81.100 hộ nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp gần 105.000 hộ thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm cho hơn 38.300 người lao động, giúp gần 118.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, xây dựng 427.080 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 3.374 căn nhà (2.878 căn nhà ở cho hộ nghèo, 496 căn nhà ở xã hội), tạo điều kiện cho gần 6.800 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho 13 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.011 người lao động…
Nguyễn Vũ