34 tuổi đã đột quỵ, nguyên nhân nghiện thuốc lá hơn 20 năm
Nghiện thuốc hơn 20 năm, mỗi ngày hút một bao. Liều lượng thuốc hút ngày càng tăng lên hơn 10 năm gần đây. Thậm chí, gần đây anh còn sử dụng cả thuốc lá điện tử bên cạnh thứ thuốc lá truyền thống.
Không nghĩ là mình bị đột quỵ
Bệnh viện Thanh Nhàn vừa cứu sống một bệnh nhân nam 34 tuổi (Hai Bà Trưng) bị đột quỵ. Trước đó bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, chưa đi khám phát hiện bệnh bao giờ nhưng có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Anh này bắt đầu hút thuốc từ năm 14 tuổi- đến nay đã có “thâm niên” 20 năm hút thuốc lá.
Ngồi trên giường bệnh, người đàn ông này cho biết, mỗi ngày hút một bao. Liều lượng thuốc hút ngày càng tăng lên hơn 10 năm gần đây. Thậm chí, gần đây anh còn sử dụng cả thuốc lá điện tử bên cạnh thứ thuốc lá truyền thống.
“Không nghĩ là mình bị đột quỵ, chưa bao giờ nghĩ mình bị đột quỵ đặc biệt do thuốc lá. Hoặc khi gặp vấn đề về sức khoẻ hô hấp thì đều bỏ qua.
Nam bệnh nhân vừa thoát cơn nguy kịch |
Biết là thuốc lá có hại nhưng áp lực công việc nên vẫn sử dụng thường xuyên, thành thói quen. Buổi sáng 20/5, tôi thấy khó thở khi đi từ trên tầng xuống, khi đi lên khó thở, lồng ngực tức. Rồi ngã gục xuống đất”, nam bệnh nhân cho hay.
Ths. BS Nguyễn Ngọc Quân, phòng cấp cứu nội nhi-Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 20/5 trong tình trạng sốc tim, nhồi máu cơ tim do bị tắc động mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim.
“Quả tim không co bóp được. Ngay sau khi vào viện 10- 15 phút bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh và chuyển ngay sang phòng phòng can thiệp. Trong quá trình này, bệnh nhân có biểu hiện ngừng tim buộc kíp trực phải thực hiện sốc điện. Rất may bệnh nhân đã được can thiệp thành công.
Hiện bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, trở về cuộc sống bình thường không cần thở ô xy hay sử dụng bất kỳ sự hỗ trợ ô xy nào”, BS Quân cho biết.
Vui mừng vì vừa trở về từ cõi chết, người đàn ông này ngượng ngùng rút ra nhận xét “thuốc lá có hại không nên dùng”. Từ sự cố của bản thân, người đàn ông này cho rằng các bạn trẻ nếu chưa có thói quen hút thuốc lá thì nên bỏ từ đầu vì ảnh hưởng nhiều vấn đề về sức khoẻ.
Khó khăn khi điều trị bệnh nhân hút thuốc?
Theo khuyến cáo WHO bệnh nhân hút thuốc lá nhiều gây xơ vữa mạch mãn tính không chỉ mạch vành mà tất cả các mạch máu trong cơ thể sẽ hình thành các mảng xơ vữa dần dần hẹp lại.
Từ đó, bệnh nhân sẽ có đợt cấp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Những bệnh lý này cần được khắc phục như bệnh nhân không được hút thuốc lại nếu không sẽ tái hẹp rất nhanh, kể cả bệnh nhân đặt stent thành công sẽ tái hẹp nhanh và có thể gây ra tái phát nhồi máu cơ tim.
BS Nguyễn Ngọc Quân nhấn mạnh, đối với trường hợp nam bệnh nhân 34 tuổi vừa mới được cứu sống này chắc chắn không được “tái nghiện” thuốc lá.
Bởi nếu dùng lại thì bệnh nhân sẽ tái phát và nặng hơn, có thể tử vong do nhồi máu cơ tim; hoặc bệnh nhân có thể nhồi máu não, nằm tại chỗ, liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt được.
Theo các bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn, nhồi máu cơ tim ở Việt Nam đang trẻ hoá. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn từng tiếp nhận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim khi mới 28 tuổi.
Đáng lưu ý, tất cả các bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim đều trên nền hút thuốc lá, có tiền sử hút thuốc lá chứ không phải tự nhiên.
“10 năm trước thường xảy ra ở trung niên 40-50 tuổi xơ vữa nhưng nay giảm dần và số bệnh nhân trẻ mắc nhồi máu cơ tim do xơ vữa mạch tăng lên, chúng tôi gặp khá nhiều 1 năm khoảng 10-15 ca bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi”, BS Ngọc Quân cho hay.
Các chuyên gia nhấn mạnh, hút thuốc lá sẽ xảy ra nhiều bệnh lý ngoài tim mạch có phổi, COPD-phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, hô hấp... nên những bệnh nhân bị hô hấp, hen phế quản từ nhỏ không nên hút thuốc lá.
Đặc biệt, giảm hút thuốc lá sẽ giảm biến chứng nhồi máu cơ tim ở giới trẻ. Do đó, người dân đặc biệt giới trẻ không nên hút thuốc lá, những người đã, đang hút thì cũng nên sớm từ bỏ.
N. Huyền