3 truyện ngắn ẩn chứa tư duy thông minh của người Do Thái
Người Do Thái nổi tiếng là dân tộc thông minh có cách tư duy ngược đời, nhưng đó cũng là lý do khiến họ trở nên đặc biệt, thành công hơn.
Từ lâu, người Do Thái đã được mệnh danh là “doanh nhân đầu tiên trên thế giới”. Theo thống kê, người Do Thái chiếm một nửa số doanh nhân giàu nhất thế giới.
Nhiều người tò mò, điều gì đã khiến người Do Thái đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc như vậy?
Trong cuốn sách kinh điển về cuộc sống của người Do Thái có ghi lại rằng mỗi đứa trẻ Do Thái, trong quá trình lớn lên, sẽ được hỏi một câu: "Nếu một ngày ngôi nhà của bạn bị thiêu rụi, bạn sẽ chạy trốn bằng gì?".
Nếu đứa trẻ đang lấy một số đồ vật có giá trị, người mẹ sẽ nói với chúng: "Con à, thứ mà con lấy đi không phải là tiền, cũng không phải kim cương, mà là kiến thức của con, cách suy nghĩ của con”.
3 câu chuyện ngắn dưới đây ẩn chứa phương thức tư duy của người Do Thái có thể sẽ truyền cảm hứng cho bạn.
Ảnh minh họa.
Người cho vay khó hiểu
Một người đàn ông Do Thái bước vào một ngân hàng tại New York, với dáng vẻ nhanh nhẹn và thông minh, ông ngồi xuống quầy tín dụng.
“Xin hỏi, ông cần giúp gì?”, Giám đốc bộ phận tín dụng vừa hỏi vừa nhìn một cách dò xét người đàn ông Do Thái từ đầu đến chân.
Người đàn ông Do Thái, mặc bộ vest hàng hiệu, tay đeo đồng hồ đắt tiền, trên cổ là cà vạt hãng Jewels trả lời: “Tôi muốn vay ít tiền”.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Không có gì, ông muốn vay bao nhiêu?”.
“1 đôla”, người đàn ông Do Thái trả lời.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Chỉ cần 1 đôla?”.
Người đàn ông Do Thái: “Đúng, tôi chỉ cần vay 1 đôla, có được không?”.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Tất nhiên là được ạ, chỉ cần ông có thế chấp thì có vay nhiều cũng không vấn đề gì”.
“Chỗ này để thế chấp có được không?”, Người đàn ông Do thái nói, đồng thời từ trong bộ vest hàng hiệu rút ra một đống cổ phiếu, trái phiếu… “Tất cả trị giá 500.000 đôla, đã đủ chưa?”
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Tất nhiên, tất nhiên là đủ nhưng thực sự ông chỉ cần vay 1 đôla sao?”.
Người đàn ông Do Thái: “Đúng thế”, vừa nói ông vừa đưa tay ra để nhận 1 đôla.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Lợi tức hàng năm là 6%, chỉ cần ông bỏ ra 6%, 1 năm sau chúng tôi sẽ hoàn trả lại ông số cổ phiếu này”.
“Cảm ơn anh”. Người đàn ông Do Thái nói xong và chuẩn bị rời đi.
Trưởng phòng tín dụng đứng bên cạnh quan sát từ lâu, nghĩ mãi cũng không thể hiểu nổi hành động của người đàn ông này, sở hữu 500 nghìn đôla mà lại đi vay 1 đôla. Anh ta vội vàng chay theo người đàn ông Do Thái và hỏi: “Thưa ông…”
“Có chuyện gì không?”
“Thực sự là tôi không hiểu, ông có 500 nghìn đô, tại sao lại đi vay có 1 đôla? Nếu như ông muốn vay 300 nghìn hay 400 nghìn đô, chúng tôi cũng rất sẵn lòng…”
“Anh không phải lo cho tôi. Trước khi tôi đến ngân hàng của các anh, tôi đã hỏi qua một vài ngân hàng, việc thuê két để cất giữ đồ quý giá quá đắt đỏ. Vì thế, tôi đã đến đây để thuê các anh cất giữ số cổ phiếu đó. Tiền thuê thực sự là rất rẻ, 1 năm tôi chỉ phải trả các anh 6 cent”.
Những đồ quý giá theo lẽ thường sẽ được cất trong két bạc, đối với nhiều người đây là sự lựa chọn duy nhất. Nhưng người đàn ông Do Thái này đã không bị kẹt trong lối suy nghĩ thông thường. Tài sản của ông vẫn được cất trong két bạc của ngân hàng, và chi phí phải trả hàng năm gần như miễn phí.
Khi đứng ở một góc độ khác để suy xét vấn đề, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để đi đến thành công.
Ảnh minh họa.
Giá trị của phế liệu
Năm 1946, hai cha con người Do Thái đến Hoa Kỳ để kinh doanh đồng ở Houston. Một hôm, người cha hỏi con trai mình giá một cân đồng là bao nhiêu?
"Dạ, 35 xu ạ" - cậu bé đáp chắc chắn.
“Không sai, bây giờ tất cả mọi người ở bang Texax đều biết giá mỗi cân đồng là 35 xu. Nhưng đối với người Do Thái chúng ta, con nên biết mỗi cân đồng nhiều hơn 35 xu. Con hãy thử dùng một cân đồng này làm khóa cửa xem sao".
Nghe lời cha, người con dùng đồng làm khóa cửa, chế tạo dây cót đồng hồ Thụy Sỹ và làm huy chương cho thế vận hội Olympic. Anh đã từng bán một cân đồng với giá 3.500 đô la.
Năm 1974, chính phủ kêu gọi các công ty và tổ chức thanh lý phế liệu dưới chân tượng nữ thần tự do. Trong khi chẳng một công ty nào mặn mà với việc này, thì biết tin, người con trai lập tức tới ký kết hợp đồng với chính phủ và bắt tay làm việc.
Anh đem nung chảy những vật liệu đồng còn dư thừa và đúc thành một bức tượng nữ thần tự do loại nhỏ. Bùn đất và gỗ mục, anh chế biến gia công làm thành chân đế của bức tượng. Chì và nhôm anh làm thành những chiếc khóa và bán rộng rãi trên thị trường.
Thậm chí, bụi bẩn trên tượng nữ thần, anh cũng sai người cạo xuống và bán cho những người trồng hoa.
Sau ba tháng, anh đã biến đống phế liệu đó thành một món tiền lớn hơn với giá 3.500 đô la Mỹ. Như vậy, giá trị của mỗi cân đồng đã tăng lên gấp hơn một vạn lần. Người con trai Do Thái đó cũng chính là Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Mc Call.
Câu chuyện trên cho ta thấy giá trị thực sự không nằm ở bản thân sự vật mà nằm ở việc con người biết vận dụng đầu óc, trí tuệ để sử dụng vật đó thế nào.
Ảnh minh họa.
Lấy lại sự yên tĩnh
Ông cụ Do Thái Shaq 70 tuổi đã về hưu, ngày ngày ra vườn thư giãn, tĩnh dưỡng tuổi già. Thế nhưng, ngày nào cũng có 3 đứa trẻ tới, liên tục đùa nghịch ầm ĩ khiến cuộc sống của ông Shaq và hàng xóm bị ảnh hưởng. Thế nhưng, ông không tỏ ra tức giận, trái lại còn nói rằng: "Ta thích xem các cháu chơi đùa. Ta mong các cháu đến đây mọi ngày, và ta cho các cháu 1 USD mỗi ngày".
Bọn trẻ nghe thấy được cho tiền thì lấy làm vui sướng, nên hàng ngày đến chơi đều tại chỗ cũ. Sau đó vài ngày, cụ Shaq gọi bọn trẻ lại mà nói rằng: "Ta xin lỗi, thu nhập của ta đã bị giảm. Từ ngày mai, ta chỉ có thể cho các cháu 50 xu mỗi ngày!". Bọn trẻ thấy hơi buồn bã vì số tiền bị giảm, nhưng vẫn miễn cưỡng chấp nhận điều kiện.
1 tuần sau, cụ ông lại gọi 3 đứa trẻ lại gần mà nói: "Ta vẫn chưa nhận được lương hưu, nên từ giờ ta chỉ có thể đưa cho cháu 2 xu mỗi ngày mà thôi!".
Lúc này, ba đứa trẻ liền nói: "Chúng cháu sẽ không phục vụ cho ông với vài xu ít ỏi, chúng cháu sẽ không làm điều đó!". Sau cùng, 3 đứa trẻ quyết định bỏ đi, và những ngày tháng hưu trí an yên của cụ ông người Do Thái được tiếp tục.
Đối thủ của cụ ông Shaq là 3 đứa trẻ cứng đầu, bướng bỉnh. Ông nhận ra rằng, nếu ép buộc chúng làm theo ý mình, e rằng chỉ khiến chúng càng cố chấp ở lại mà quấy rầy ông. Vì thế, cụ ông người Do Thái đã làm theo cách ngược lại: Khiến chúng tự nguyện rời đi và đạt mục đích của bản thân. Trong bất cứ việc gì, hiểu rõ bản chất con người là chìa khóa để thành công.
Bài học từ truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng giúp trẻ dễ hiểu hơn về câu thành ngữ quen thuộc cùng tên "ếch ngồi đáy giếng".
Theo giadinhonline.vn