3 tấn vàng lậu liên quan Chủ tịch Tập đoàn Phú Quý: Siêu lợi nhuận nghìn tỷ
Vàng được buôn lậu như thế nào?
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2022 đến nay, bị can Nguyễn Thị Hóa (trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cùng bị can Nguyễn Thị Gái tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng.
Vàng được chuyển từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) để bán cho các cửa hàng trong nước thu lời bất chính.
CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý được xem là mắt xích trong đường dây buôn lậu. Công ty này đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực. Phú Quý có hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, bước đầu xác định là 6,145 tỷ đồng.
Theo Tuổi trẻ, đây là đường dây “nội tộc” khi gần như tất cả người bị khởi tố đều có họ hàng với nhau. Việc buôn lậu vàng của "đại gia đình" này đã diễn ra từ khá lâu, nhưng nay mới bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Việc buôn lậu vàng được thực hiện do địa hình tỉnh Quảng Trị giáp ranh với Lào, có nhiều tuyến đường có thể dễ dàng qua lại ở biên giới 2 nước.
Các đối tượng thuê người vận chuyển, buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ và trả công theo số lượng vàng được chuyển về nhiều hay ít. Vàng sau khi về Việt Nam sẽ được bán cho một số cửa hàng vàng trong nước.
Vàng Phú Quý kinh doanh ra sao?
CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý thành lập năm 2003, có trụ sở ở Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và phân phối sản phẩm sản phẩm vàng bạc, trang sức, kim cương, nhẫn cưới.
Vàng Phú Quý hoạt động hơn hai thập kỷ và là một trong những doanh nghiệp có cửa hàng vàng bạc lớn tại Việt Nam, có mặt ở các trung tâm buôn bán vàng lớn nhất tại Trần Nhân Tông (Hà Nội) và Hàm Nghi (TP.HCM).
Không chỉ kinh doanh phân phối và bán lẻ vàng miếng SJC, nhẫn tròn trơn 999.9, Phú Quý còn đầu tư và phát triển các sản phẩm vàng mỹ nghệ 24K, trang sức vàng, kim cương, nhẫn cưới. Phú Quý cũng tự giới thiệu là trung tâm giao dịch vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Ngoài ra, Phú Quý cũng nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận không được doanh nghiệp này công khai.
Vụ buôn lâu vàng với khối lượng lên tới 3 tấn (khoảng 5.000 tỷ đồng) được xem là nghiêm trọng không chỉ bởi thất thu thuế mà còn ảnh hưởng tới trật tự quản lý kinh tế, chế độ quản lý ngoại thương và quản lý thuế của Nhà nước. Trong nhiều năm qua, tình hình buôn lậu vàng diễn ra khá nhiều do chênh lệch vàng trong nước và quốc tế.
Vàng không chỉ được buôn lậu từ Lào về mà còn qua được hàng không từ một số nước khác trong đó có Hàn Quốc với sự tiếp tay của phi công, tiếp viên hãng bay trong nước (như hồi năm 2016).
Ở nhiều thời điểm, chênh lệch vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng khoảng 10-20 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước là điều kiện béo bở, mang lại siêu lợi nhuận cho những đối tượng buôn bán, nhập kinh doanh vàng lậu.
Cụ thể, giá vàng thế giới vào lúc 9h sáng ngày 26/6 đứng ở mức 1.925 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 11,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Nếu 3 tấn vàng lậu đã được tiêu thụ trót lọt trong thị trường nội địa, với mức chênh lệch lợi nhuận 11 triệu đồng lượng, các đối tượng buôn lậu và hợp thức hóa số vàng lậu này đã có thể thu về lợi nhuận bất chính số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhiều thời điểm, vàng thỏi nhập vào Việt Nam có giá trị rất lớn, cao hơn so với thống kê của các cơ quan trong nước. Có những năm Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho công ty nào được nhập vàng. Do vậy, vàng có thể vào Việt Nam theo 2 cách. Thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại mua trạng thái nước ngoài và thứ hai là vàng thỏi nhập lậu.
Việc vàng nhập lậu vào Việt Nam có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, trong đó có ảnh hưởng tới tỷ giá. Cầu ngoại tệ chính thống của nền kinh tế nhiều năm khá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh nhưng tỷ giá vẫn thỉnh thoảng sóng gió.
Theo Bộ Công an, Lê Xuân Tùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư vàng Phú Quý và Lê Thúy Quỳnh bị khởi tố về tội trốn thuế, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật hình sự. Cụ thể, Lê Xuân Tùng bị cáo buộc trốn thuế trong đường dây buôn lậu 3 tấn vàng từ Lào về Việt Nam. Công ty Vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Nguyễn Thị Hóa (Quảng Trị) và Nguyễn Thị Gái cùng 16 người bị khởi tố về tội buôn lậu, theo khoản 4 điều 188 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, còn có một số bị can khác tham gia vào đường dây này. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố và điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước. |
Mạnh Hà