"Rửa" vàng lậu, trôi nổi thành vàng nữ trang
Thiếu quy định “bịt” vàng nhập lậu
Tình trạng nhập lậu vàng ở nước ta đã giảm từ khi NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy vậy, vàng lậu vẫn âm thầm tuồn vào trong nước và được hợp thức hóa qua kênh sản xuất vàng nữ trang.
Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng trên thị trường |
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo đó, từ ngày 1/6/2014, các điểm kinh doanh vàng nữ trang không đáp ứng yêu cầu về kiểm định, đo lường sẽ được thanh lọc. NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản về điều kiện kinh doanh vàng trang sức.
Tuy nhiên, cả Thông tư mới của Bộ Khoa học và Công nghệ lẫn các văn bản của NHNN đều chưa có quy định nào yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải chứng minh nguồn gốc vàng nguyên liệu, do đó chưa “chặn” được nguồn vàng lậu đổ vào vàng nữ trang.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định về xuất xứ nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Tuy nhiên, theo các DN kinh doanh vàng, giải pháp này khó khả thi.
“Hiện nay, DN sản xuất vàng nữ trang không được nhập khẩu vàng miếng, nên họ phải thu mua vàng nguyên liệu từ nhiều địa phương trong cả nước. Với thực tế như vậy, việc chứng minh nguồn gốc là rất khó”, ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, TS. Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng khẳng định, không loại trừ khả năng vàng lậu chui vào sản xuất vàng nữ trang, bởi thực tế, các DN sản xuất vàng nữ trang đang phải mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, nếu vì chặn vàng lậu mà đưa ra quy định trên là làm khó DN, vì thói quen tích trữ vàng “bỏ ống” của người dân đã có từ lâu đời, nên không thể chứng minh được xuất xứ.
Xóa dần vàng “vô danh” trong dân
Theo một chuyên gia về vàng, cách hiệu quả để chặn vàng nhập lậu là NHNN từng bước ghi danh lượng vàng trong dân, dần biến hàng trăm tấn vàng không rõ xuất xứ thành vàng có xuất xứ.
“NHNN cần từng bước thu mua vàng trong dân, dập ra vàng miếng SJC để thay thế dần. Với DN vàng trang sức, khi thu mua vàng nguyên liệu có thể là vàng vô danh, nhưng khi sản xuất ra, họ cũng phải định danh cho sản phẩm của mình theo một tiêu chuẩn chung, tức phải có series, ký hiệu, để NHNN kiểm soát. Cách thay thế vàng vô danh trong dân bằng vàng ghi danh giống như việc đổi tiền. Như thế, nguồn vàng trong dân sẽ dần được làm rõ xuất xứ”, chuyên gia này hiến kế.
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), đơn vị này đang lên kế hoạch mua vàng trong dân, song chưa có thời điểm cụ thể. “Mua vàng mới ở giai đoạn chủ trương”, ông Huy cho biết.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao như hiện nay, nếu NHNN mua vào sẽ làm chênh lệch bị doãng rộng. Vì vậy, phương án mua vào chỉ nên thực hiện khi chênh lệch giá khoảng 400.000 - 1.000.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, nếu giá vàng thế giới tiếp tục xuống thấp trong vòng 6 tháng tới, nhiều khả năng, NHNN sẽ mua vàng trên thị trường.
Chưa rõ NHNN sẽ mua vàng bằng cách nào, song theo phân tích của một số DN kinh doanh vàng, NHNN có thể không chỉ mua vàng SJC, mà sẽ mua cả vàng miếng thương hiệu khác và vàng nhẫn 9999 để gia công lại thành vàng SJC. Số vàng này được sử dụng để tăng dự trữ ngoại hối hoặc phục vụ thị trường trong nước qua các phiên đấu thầu bán ra.
Với cơ chế độc quyền vàng miếng và mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay, việc mua vàng trên thị trường sẽ giúp NHNN không bị lỗ, không tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, đồng thời từng bước định danh được xuất xứ vàng trong dân.