Ý kiến trái chiều về đề xuất người dưới 18 tuổi đi xe máy điện phải có bằng lái
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 15/3, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối (50cc) phải có bằng lái.
Dẫn số liệu thống kê năm 2023, ông Hùng cho biết, có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi tử vong và bị thương do tai nạn giao thông; trong đó, khoảng 1.000 trẻ em chết, phần còn lại là bị thương. Đáng chú ý, 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, đa số các cháu tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.
Cho rằng đây là một 'khoảng trống pháp lý' chưa có quy định, ông Khuất Việt Hùng tha thiết đề nghị các trường hợp này phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy.
Đồng tình với đề xuất này, anh Trần Mạnh Hùng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, trên đường phố, trước cổng các trường trung học phổ thông không khó bắt gặp hình ảnh học sinh phi bạt mạng trên đường. Trong khi đó, nhóm học sinh đi xe đạp điện hầu như không đội mũ bảo hiểm.
“Nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, các em chưa hiểu hết các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, chưa ý thức được sự nguy hiểm do hành vi mình gây ra nên cần được học bài bản về Luật giao thông, đồng thời trải qua các bài thi sát hạch trước khi được cầm lái là điều cần thiết", anh Hùng kiến nghị.
Trao đổi với P.V VietNamNet ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, đề xuất của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia là có căn cứ.
Tuy nhiên, ông Tính cho rằng nên lùi lại 5- 6 năm mới tính đến phương án này bởi thực tế hiện nay Bộ Công an, Bộ GTVT đã và đang quản lý số lượng lớn xe mô tô, xe gắn máy, ô tô. Giờ quản lý thêm xe đạp điện sẽ “đẻ thêm bộ máy cồng kềnh”.
“Xét dưới góc độ thực hành, xe đạp điện nhỏ, dưới 50cc người lái chỉ cần tập vài buổi là điều khiển thành thạo. Đối với kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh nên tăng cường trong trường học. Theo tôi những nội dung này nên nằm trong chương trình học bắt buộc. Ở tuổi học sinh, cộng với kỷ luật của nhà trường các cháu buộc phải học để trả bài. Khi trẻ học thuộc thì sẽ ghi nhớ những kiến thức này vào đầu”, ông Tính nói.
Theo ông Tính, thay vì nghĩ đến việc bắt buộc học sinh phải có bằng lái khi điều khiến xe máy điện, xe dưới 50 cc, cơ quan quản lý nên tập trung quản lý ô tô, mô tô lưu thông trên đường đặc biệt việc tuân thủ luật trên đường cao tốc.
“Chiều nay (17/3) tôi đi 99 km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - TP.HCM. Trên đường thấy ô tô, xe 4 bánh, xe cá nhân thậm chí xe container đi vượt ẩu, lấn làn…rất nhiều. Điều này cho thấy tài xế không chấp hành luật.
Vì thế, tôi cho rằng chúng ta nên tập trung nguồn lực, tăng cường đào tạo cho nhóm ô tô, mô tô. Trong đó tập trung vào việc lái xe trên cao tốc. Đây là những nội dung cấp bách, thiết thực bởi thực tế chúng ta đã làm xong 2.000km - 3.000km đường cao tốc, mục tiêu đạt 5.000km không còn xa”, ông Tính nói.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia giao thông thông tin, các nước phát triển trên thế giới không yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch, có bằng lái.
Tại Việt Nam, đối tượng sử dụng loại xe này chủ yếu là học sinh phổ thông. Các trường cũng có những tiết học lồng ghép về trật tự an toàn giao thông, gồm cả nội dung điều khiển xe máy dưới 50cc. Nếu bắt buộc học sinh phải học, thi để cấp bằng lái xe sẽ gây “quá tải” đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch.
Từng nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin, cả nước hiện có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh phổ thông chiếm 30 - 40%. Do vậy đề xuất áp dụng quy định sát hạch, cấp bằng lái xe dưới 50cc cần đánh giá được sự cần thiết và tác động đến xã hội.
“Nếu quy định áp dụng nhưng chưa đánh giá được tác động, sẽ dẫn đến cú sốc cho các nhà trường, phụ huynh và quá tải cho trung tâm đào tạo lái xe thì lại là hệ lụy xấu, bất an cho xã hội”, ông Quyền nói.