Ý đồ của TQ đằng sau sự dịch chuyển giàn khoan Nam Hải 9 ở Biển Đông?
Theo thông báo trên website của Cục Hải sự Trung Quốc, Trung Quốc ra thông báo giàn khoan Nan Hai Jiu Hao (Nam Hải số 9) từ ngày 18 tới ngày 20-6 sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 170 38’ vĩ Bắc, 1100 12’ 3’’ kinh Đông tới vị trí có tọa độ 170 14’ 6’’ vĩ Bắc, 1090 31’ kinh Đông trên Biển Đông. Đây là giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc kéo xuống Biển Đông.
Như vậy, trong khi Uỷ Viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang hội đàm với Việt Nam tại Hà Nội, trên thực địa giàn khoan 981, tại thời điểm đó, Trung Quốc có hành động hung hãn và liều lĩnh đâm hỏng tàu Kiểm ngư của Việt Nam đồng thời Trung Quốc tiếp tục thông báo đưa giàn khoan Nam Hải số 9 xuống khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ.
Riêng sự kiện thông báo đưa giàn khoan Nam Hải số 9 xuống Biển Đông, theo TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, đây không còn chỉ là câu chuyện chính trị, câu chuyện vị trí quân sự mà ở đó đã lộ rõ “ý đồ kinh tế”. Trung Quốc đang khát dầu, khát năng lượng, họ thực hiện những bước đi này đều một mũi tên trúng nhiều đích, trong đó có lợi ích về kinh tế. Mục tiêu khai thác tài nguyên ở khu vực này của Trung Quốc đã ngày càng rõ ràng hơn.
Đưa giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã làm phức tạp tình hình, giờ họ lại tiếp tục đưa ra Biển Đông giàn khoan thứ 2 - Nam Hải 9. |
TS Trần Công Trục cho biết thêm: “Họ muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường tại đây. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình.
Về vị trí mà Trung Quốc thông báo, theo đánh giá sơ bộ của TS Trần Công Trục, vị trí đó nằm ở khu vực Cửa Vịnh Bắc Bộ, nằm về phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, phía Nam Vịnh Bắc Bộ, phía Đông lãnh thổ Việt Nam, khu vực này có nhiều giao cắt, và có quan điểm khác nhau, nên hiện đang trong quá trình đàm phán.
Thêm vào đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam cũng cho rằng: Khu vực này là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và cũng là khu vực đang rất phức tạp giữa ta và Trung Quốc.
Trước đó, trao đổi với PV Infonet, TS Trần Công Trục cũng đã thẳng thắn chỉ ra việc Trung Quốc đang đi con bài “tấn công” Biển Đông từ nhiều hướng. Một mặt họ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mặt khác họ cho xây dựng và mở rộng đá Gạc Ma (địa điểm Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược của Việt Nam năm 1988).
Ông cũng khẳng định chính Gạc Ma mới là mũi nhọn nguy hiểm nhất. Vì Gạc Ma là vị trí mà Trung Quốc có thế vươn tới các điểm cực Nam, điểm phía Tây của cái mà họ vạch ra theo đường 9 đoạn. Hơn nữa, điểm Gạc Ma là điểm án ngữ, chia cắt giữa đất liền Việt Nam với một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang thực thi chủ quyền.
Thứ nữa, hành động xây dựng các bãi chìm thành đảo nổi, với sân bay, hệ thống như căn cứ quân sự, Trung Quốc đang cố tình biến Gạc Ma thành một tàu sân bay cố định. Từ Hải Nam đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp 1974) rồi đến Gạc Ma sẽ thành 3 điểm án ngữ toàn bộ Miền Trung của Việt Nam.
TS Trần Công Trục cũng cho rằng chúng ta cần phải lên án, đấu tranh mạnh mẽ với tất cả những “mũi tiến công” của Trung Quốc trên Biển Đông. Cần phải lên án họ vi phạm Công ước Liên hợp quốc 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vi phạm các cam kết mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết.