Xuất khẩu bản quyền sách Toán: Việt Nam đã làm được!
Vừa qua, làng sách đón nhận một tin vui khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu bản quyền sách Toán ra nước ngoài. Đơn vị thực hiện việc này là CTCP Văn hóa Giáo dục Long Minh, một đơn vị chuyên về sách khoa học dành cho lứa tuổi học sinh.
Đáng chú ý khi đối tác mua bản quyền đến từ Liên bang Nga, một cường quốc về toán học. Cụ thể, Nhà xuất bản Clever Media (Liên bang Nga) đã ký hợp đồng mua bản quyền 3 cuốn sách Toán bằng Tiếng Anh dành cho lớp mẫu giáo và lớp 1.
Ba quyển sách hình chiếc dép tông nổi tiếng này là một phần của bộ sách "Em thích giỏi Toán" do Long Minh hợp tác với Nhà xuất bản Play Bac (Cộng hòa Pháp) để phục vụ cho học sinh Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh.
Thưa ông, được biết bộ sách “Em thích giỏi Toán” là kết quả của sự hợp tác giữa Long Minh và Play Bac, để được đối tác nổi tiếng như Nhà xuất bản Play Bac lựa chọn, Long Minh cần đáp ứng những tiêu chí gì? Và khi đã có sự hợp tác, hai bên cần đáp ứng những tiêu chí gì để đối tác Nga mua bản quyền?
Long Minh là đơn vị đã được độc quyền xuất bản tủ sách "Nhà thông thái" của Play Bac ở Việt Nam. Bộ sách "Nhà thông thái" của Play Bac rất nổi tiếng trên thế giới với hơn 50 triệu bản sách được xuất bản ở hơn 40 quốc gia trong nhiều năm qua. Tại Việt Nam, Long Minh được Play Bac lựa chọn vì đã Việt hóa thành công bộ sách này.
Trong quá trình hợp tác để xuất bản bộ sách “Nhà thông thái” cho Việt Nam, chúng tôi thấy thiếu dòng sách có nội dung toán học. Từ đó, chúng tôi đã bàn với Play Bac để thiết kế bộ sách "Em thích giỏi Toán" có hình chiếc dép tông. Mỗi quyển sách gồm hơn 100 bài toán thú vị do nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực và bạn Tạ Đức Thành (HCĐ Olympic toán quốc tế) biên soạn, được minh họa bằng những hình vẽ sinh động của họa sỹ Bùi Tuấn Linh.
![]() |
Ông Đỗ Hoàng Sơn (trái) và Họa sỹ Bùi Tuấn Linh (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Sau lần đầu tiên xuất bản thành công tại Việt Nam, chúng tôi đã quyết định đem phiên bản tiếng Anh của bộ sách này giới thiệu tại Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2014 diễn ra tại nước Đức.
Bộ sách nhận được sự quan tâm của các nhà xuất bản từ hơn 10 quốc gia trên thế giới, và đến thời điểm hiện tại Nga là nước đầu tiên ký hợp đồng chính thức mua bản quyền. Có lẽ với kiểu dáng và hình minh họa lạ, bộ sách đã thu hút được sự chú ý của các bạn Nga, những người rất quan tâm tới việc học Toán và tiếng Anh.
Trong suy nghĩ của người Việt Nam từ trước đến nay, khái niệm xuất khẩu bản quyền sách về toán và giáo dục là điều còn lạ lẫm. Làm thế nào để việc này trở nên bình thường cho ngành xuất bản của Việt Nam, thưa ông?
Hiện nay trong xã hội, nhiều người nghĩ giáo dục của chúng ta có phần tụt hậu so với thế giới nên khó lòng xuất khẩu sách được, vì thế, nước ta chủ yếu mua bản quyền sách từ nước ngoài. Nhưng bản thân tôi có một cách nhìn hơi khác. Việt Nam chúng ta có một số tác giả tài năng và có kinh nghiệm, nếu chúng ta có điều kiện tạo môi trường kết nối họ lại thì sẽ tạo ra những bản thảo tốt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Còn một thách thức nữa mà các nhà xuất bản phải vượt qua khi xuất khẩu sách là việc chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Trong dự án "Em thích giỏi toán" này, ban biên tập của Long Minh đã may mắn nhận được sự trợ giúp của đội ngũ tình nguyện viên gồm các học sinh đã từng thi toán quốc tế và các du học sinh từng học tại Hoa Kỳ và Singapore.
![]() |
Bộ sách "Em thích giỏi toán" phiên bản tiếng Anh được đối tác Nga mua lại bản quyền. |
Trong thời gian tới, Long Minh có kế hoạch thúc đẩy việc xuất khẩu bản quyền sách ra nước ngoài nữa hay không, thưa ông?
Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành việc dịch bộ sách "Em thích giỏi Toán" ra tiếng Pháp và tiếng Nhật. Ngoài ra, Long Minh cũng đã dịch xong cuốn "Cờ vua - Những bài học đầu tiên" của tác giả Lương Trọng Minh (người thầy của nhiều Đại kiện tướng – PV) sang tiếng Anh, và hiện đang được một nhà xuất bản của Indonesia quan tâm.
Cách đây vài hôm, Giáo sư Kato người Nhật Bản thông báo với chúng tôi rằng bà đã dịch xong bộ truyện tranh "Dạ khúc" của tác giả Phạm Tuấn Lâm từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Chúng tôi dự định xuất bản bộ truyện tranh này bằng tiếng Nhật trên giao diện điện tử.
Hiện tại, chúng tôi cũng tiến hành được giai đoạn đầu của dự án bán bản quyền cuốn sách "Origami và các khối đa diện" của tác giả Morales, Giáo sư Đại học Lyon, Cộng hòa Pháp. Giáo sư Morales cũng có ý định chuyển ngữ cuốn sách này ra 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Qua sự kiện này, ông có cho rằng đã đến lúc các đơn vị làm sách của Việt Nam cần thay đổi tư duy để theo kịp với chuẩn của thế giới?
Trong những năm gần đây, ngành xuất bản Việt Nam đã hội nhập và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên hiện nay, đa số sách giáo khoa, sách phổ biến kiến thức và khoa học của ta còn thiếu phần Index (bảng tra cứu theo vần – PV) để tra cứu từ khóa theo số trang. Khi sách có phần Index thì học sinh và sinh viên sẽ có công cụ đắc lực để tự học hiệu quả hơn.
Đối với chất lượng sách, những cuốn sách có phần Index thường được biên tập, biên dịch và biên soạn kỹ lưỡng hơn bởi vì các tác giả, dịch giả, ban biên tập phải làm thêm một công đoạn chuẩn hóa các từ khóa của cuốn sách và sắp xếp theo trật tự trong phần Index.
Ở châu Âu và Hoa Kỳ, phần Index đã là tiêu chuẩn xuất bản gần 300 năm cho đến nay, ngay cả sách cho học sinh tiểu học của họ cũng có phần Index. Vì vậy, để sách của Việt Nam bắt kịp với thế giới thì các trường đại học, các nhà xuất bản, các ban biên soạn sách giáo khoa, các tác giả, dịch giả cần phải đặt mục tiêu làm sách có phần Index để tra cứu từ khoá theo số trang.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!