Xuất bán 267.000 tấn ‘vàng đen’, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ
Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, bà Nguyễn Thị Út ở xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng, Kiên Giang) luôn cân bán hạt tiêu với giá rất cao.
Theo bà, hạt tiêu đen được thương lái thu mua với giá 95.000 đồng/kg; tiêu chín đỏ phơi khô giá lên đến 130.000 đồng/kg nhưng lượng hàng chưa nhiều vì phải qua tháng 2 năm nay mới vào chính vụ thu hoạch.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá hạt tiêu thời điểm này tăng khoảng 30%. Bà Út cho biết, đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Tại các vùng trồng hồ tiêu, giá loại hạt này cũng vào đà tăng mạnh do giới đầu cơ đẩy mạnh việc mua vào trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/12 vừa qua, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng 9.500-12.500 đồng/kg tùy từng khu vực. Theo đó, hạt tiêu đen có giá dao động từ 81.500–85.000 đồng/kg, hạt tiêu trắng ở mức 112.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức 93.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường quốc tế, giá hạt tiêu của một số quốc gia giảm nhẹ hoặc đi ngang, trong khi đó mặt hàng này của nước ta lại có xu hướng tăng.
Ngày 5/1, hạt tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550 g/l lần có giá 3.900-4.000 USD/tấn, tăng 200 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng xuất khẩu đạt 5.700 USD/tấn.
Hạt tiêu ở nước ta được ví như “vàng đen”, chiếm 60% sản lượng trên toàn cầu. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 267.000 tấn hạt tiêu, giá trị ước đạt 912 triệu USD. So với năm 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng 16,6%, nhưng giá trị lại giảm 6%.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022.
Trong cơ cấu chủng loại xuất khẩu hạt tiêu của nước ta năm 2023, hạt tiêu đen chiếm đến 71,2%, còn lại là hạt tiêu trắng, hạt tiêu xay.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là khách hàng lớn nhất khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của nước ta tính đến hết tháng 11 năm 2023. Hiện, Việt Nam giữ vị trí nguồn cung hạt tiêu lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Theo giới chuyên gia, lượng xuất khẩu hồ tiêu tăng trong 4 tháng liên tiếp cho thấy viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung. Những đồn đoán rằng sản lượng hạt tiêu thu hoạch trong vụ mới sẽ sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
Dự báo xuất khẩu hạt tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi về lượng và giá do sản lượng giảm. Lượng tồn kho hạt tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, vụ tiêu năm 2024 sản lượng sẽ giảm khoảng 10-15%, ước đạt 160.000-165.000 tấn.
Các dự báo trước đó cũng cho thấy, năm 2024 giá hạt tiêu thế giới sẽ cao hơn so với năm 2023. Mặc dù nền kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, nhưng sản lượng hạt tiêu của Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ giảm.
Hiện nay, đà tăng đã rõ, song theo giới chuyên gia, mức tăng như thế nào còn phụ thuộc từng giai đoạn và các yếu tố. Từ nay đến Tết Nguyên đán, dự báo thị trường không có nhiều đột phá, hạt tiêu khó chạm mốc 90.000 đồng/kg.
Sau Tết, các thủ phủ hồ tiêu ở nước ta vào vụ thu hoạch chính. Khi đó, bức tranh sản lượng “vàng đen” sẽ hiện rõ hơn. Nếu đúng như dự đoán của giới chuyên gia và doanh nghiệp, năm nay mất mùa cộng với các yếu tố kinh tế và chính trị trên thế giới, giá “vàng đen” của nước ta có thể tăng mạnh, lặp lại kịch bản như năm 2021.