Xin nghỉ không lương để về quê sớm còn cách ly
Nhiều địa phương ra quy định đối với người dân từ nơi khác đến/về quê ăn Tết, thậm chí có nơi yêu cầu cách ly y tế tại nhà, có kiểm soát, khiến nhiều người lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Hiền (quê Thanh Hoá làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ từ đợt dịch 30/4/2021, hai con của chị 1 cháu 3 tuổi, cháu 5 tuổi phải gửi ở quê để hai vợ chồng trên Hà Nội đi làm.
Chồng chị là dân công trình nên nay tỉnh này, mai tỉnh khác. Hiện anh đang làm tại Thanh Hoá nên Tết sẽ về luôn. Chỉ còn chị Hiền ở Hà Nội đi làm. Chị Hiền đã xin nghỉ không lương trước 1 tuần để về quê còn kịp cách ly trước Tết. Chị Hiền cho biết chị sẽ về từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch và cách ly tới 27 Tết sẽ vừa.
Khi xin nghỉ, công ty cũng tạo điều kiện cho chị Hiền. Tuy nhiên, chị đành chấp nhận không có lương cũng như mất thêm tiền lao động chuyên cần tháng 1/2022.
Cùng suy nghĩ như chị Hiền, anh Nguyễn Mạnh Đạt (trú Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang lo lắng không biết nên làm sao. Quê anh Đạt ở Ân Thi, Hưng Yên. Mọi năm anh ở lại ăn Tết Hà Nội chắc cũng không ảnh hưởng gì nhưng năm nay gia đình lại có tang. Bố anh Đạt qua đời mới hết 100 ngày. Nhà chỉ còn mẹ anh và cô em gái lấy chồng cách nhà 2km. Nghĩ tới mẹ ăn Tết 1 mình lòng anh lại trĩu nặng. Anh Đạt quyết sắp xếp công việc để về quê.
Tuy nhiên, anh Đạt thấy quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính 72 tiếng cộng với cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó lại tiếp tục xét nghiệm âm tính mới được tham gia cộng đồng. Anh Đạt cho biết anh chỉ được nghỉ Tết 9 ngày trừ ngày đầu, ngày cuối đi lại thì còn đúng 7 ngày phải cách ly và xét nghiệm. Mẹ anh cũng không yên tâm sợ hàng xóm dị nghị khi con ở Hà Nội về. Quê chỉ cách 60km chưa khi nào anh Đạt thấy nó xa xôi như hiện tại.
Ảnh khoá cửa người từ vùng dịch tại Thanh Hoá. |
Anh Nguyễn Văn Tư (đang làm tại Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương) đã đặt vé Tết về quê từ 20/1 tới 4/2. Tuy nhiên, anh Tư đang băn khoăn vì quy định của quê là phải cách ly trước khi về dù anh đã mắc Covid-19 hồi tháng 8 khi đó anh đang ở Bình Chánh, TP.HCM và đã tiêm 1 mũi vắc xin.
Anh Tư cho biết anh mắc bệnh vào lúc đó tự theo dõi tại nhà nên không có phiếu xác nhận dương tính. Hơn nữa, anh mới được tiêm 1 mũi AstraZenca hồi tháng 12, chưa đủ thời gian tiêm 2 mũi nên vẫn băn khoăn không biết đi lại như thế nào. Mặc dù bản thân đã nhiễm bệnh, nguy cơ tái nhiễm chưa rõ nhưng giấy tờ không đủ. Trong khi đó, quê anh quy định về quê tự cách ly 14 ngày nếu chưa tiêm đủ vắc xin. Thời gian cách ly vừa vặn với việc anh đặt vé máy bay.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết hiện nay chúng ta đã thực hiện Nghị quyết số 128 và có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế rất rõ ràng thì các địa phương khó có thể áp dụng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm việc và sinh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt hiện nay.
Theo PGS Hùng, các biện pháp hạn chế đi lại, hay cách ly người về từ vùng dịch là biện pháp chống dịch của quá khứ, không nên mang để áp dụng lúc này. Một địa phương đặt thêm các quy định giữ an toàn cho tỉnh mình là không còn phù hợp.
Việc khoá cửa, khoá cổng nhà dân là vi phạm pháp luật. PGS Hùng cho rằng không thể lấy tâm lý phép vua thua lệ làng để thực hiện chống dịch cực đoan.
Tại văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế số 4800 quy định người về từ vùng xanh/vàng thì chỉ khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà. Chỉ xét nghiệm với người có triệu chứng chỉ điểm nhưng việc các địa phương yêu cầu tất cả người dân phải có giấy xét nghiệm mới được vào tỉnh, phải cách ly tại nhà là trái với tinh thần nghị quyết số 128.
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay chúng ta đã đáp ứng với cuộc sống thích ứng với Covid-19 thì phải chấp nhận có F0 trong cộng đồng. Hiện hầu như mọi người đều đã tiêm đủ 2, 3 mũi vắc xin thì các địa phương nên hỗ trợ người dân đi lại trong dịp Tết, không nên cấm, cản bằng các văn bản con làm khó người dân và không đúng với tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
K.Chi