Xâm chiếm Biển Đông: Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông đang có những dấu hiệu gia tăng khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo để mở rộng quyền kiểm soát tại vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích. Điển hình, Trung Quốc đã trái phép cải tạo và xây dựng để biến bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành một hòn đảo nhân tạo lớn nhất ở Biển Đông.
Theo Want China Times, giới truyền thông Mỹ cho rằng với việc xây dựng một đường băng mới và các cơ sở quân sự, bãi Đá Chữ Thập sẽ trở thành "một tàu sân bay không thể bị đánh chìm của Trung Quốc".
Trung Quốc nâng cao năng lực hải quân với mưuđồ kiểm soát BiểnĐông. |
Hôm 5/5, soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ đã có cuộc "giáp mặt" với 2 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Hải quân Mỹ, tàu USS Blue Ridge đã chạm trán 2 tàu chiến Trung Quốc là Hengshui, một tàu khu trục lớp 054A, và Lanzhou, một tàu khu trục lớp 052C.
Còn hồi tuần trước, Hải quân Mỹ đã điều động một chiếc máy bay do thám P-8A tới giám sát các hòn đảo mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trái phép trên Biển Đông. Sau đó, quân đội Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh báo với P-8A và yêu cầu chiếc máy bay này rời khỏi "vùng cảnh báo quân sự" của nước này. Về phía mình, Mỹ khẳng định tại thời điểm đó, máy bay P-8A đang hoạt động trong vùng không phận quốc tế.
Trước đó, hôm 16/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã một lần nữa nhắc lại quan điểm của chính phủ Bắc Kinh về hoạt động xây dựng trên Biển Đông trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
"Trung Quốc đang gặp khó khăn nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi", ông Vương nói.
Theo nhà bình luận Yazhou, việc Trung Quốc dành mối quan tâm ngày càng lớn tới khu vực Biển Đông được thể hiện rõ qua hành động trang bị hàng loạt vũ khí cho Hạm đội Nam Hải trong những năm gần đây. Theo đó, Hạm đội Nam Hải sở hữu 9/19 chiếc tàu lớn của Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2010 – 2013. Thậm chí, hạm đội này còn được trang bị 7 tàu hộ vệ Type 054A. Trong khi đó, Hạm đội Bắc Hải và Đông Hải chỉ có 4 chiếc Type 054A mỗi đơn vị. Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải cũng là hạm đội duy nhất có tàu vận tải đổ bộ Type 071.
Nhưng khi so sánh với năng lực của Hải quân Mỹ, Trung Quốc vẫn bị lép vế. Bởi Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ có từ 50 – 60 chiếc tàu chiến, 350 máy bay với 60.000 nhân viên bao gồm 38.000 lính hải quân và 22,000 lính thủy đánh bộ. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc không có bất cứ loại tàu nào có thể sang ngang với năng lực của tàu sân bay USS George Washington hay USS Blue Ridge của Hải quân Mỹ.
Ngay cả khi đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự trong những năm gần đây, năng lực chiến đấu ngoài khơi của quân đội Trung Quốc vẫn bị giới hạn nhiều mặt. Đây là lý do khiến Bắc Kinh chọn bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm cách đất liền Trung Quốc 1.400 km, là địa điểm mà nước này tích cực cải tạo và xây dựng trái phép nhiều nhất.
Một khi biến các hònđảo nhân tạo trên Biển Đônhthành căn cứ hải quân, Trung Quốc có thểđe dọa an ninh các căn cứ của MyởAustralia. |
Bởi ngay khi hoàn thành công việc bồi đắp và xây dựng các cơ sở quân sự trên bãi Đá Chữ thập, quân đội Trung Quốc có thể biến khu vực này thành một căn cứ hải quân để ngăn cản hoạt động của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông như Philippines và Việt Nam. Thậm chí, khi triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 ở đây, quân đội Trung Quốc còn có thể đe dọa an ninh các căn cứ quân sự của Mỹ ở Australia và giới hạn cơ hội Mỹ can thiệp vào các vấn đề ở Biển Đông.
Theo chuyên gia Zhoukan, dù có ý định ngăn cản hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Washington hiện thời vẫn chưa có một chiến lược đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Bởi Mỹ hiện đang bị phân tâm trước những vấn đề liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine và cả mối quan hệ căng thẳng giữa Trung - Nhật ở vùng biển Hoa Đông. Còn đối với Trung Quốc, hoàn thành mọi công việc xây dựng trái phép trên bãi Đá Chữ Thập là bước tiến đầu tiên trong nỗ lực “cân bằng” chiến lược “trục châu Á” của Mỹ.
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông cũng chính là lý do khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh nâng cao năng lực hải quân. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã trang bị 41 tàu hộ vệ nâng tổng số tàu chiến mà Tokyo nắm trong tay lên con số 389. Nhật Bản cũng tăng ngân sách quốc phòng lên 48 tỷ USD để mua máy bay tuần tra P-1, chiến đấu cơ tàng hình và nhiều loại vũ khí hiện đại do Mỹ sản xuất. Về phần mình, Hàn Quốc đã trang bị thêm các tàu ngầm tấn công và Ấn Độ cũng đang có kế hoạch đóng mới 6 chiếc tàu ngầm.
Thậm chí, Nhật Bản còn đang phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự với Philippines và Malaysia nhằm thách thức sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Điển hình, hôm 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho hay Tokyo đã ký kết một hiệp ước với Malaysia. Theo đó, hai nước sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự và tiến hành trao đổi khí tài quân sự.
Hôm 26/5, Reuter cho hay Nhật Bản sẽ còn tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Australia vào đầu tháng Bảy tới. Hơn 30.000 binh sĩ tới từ 3 nước sẽ tham gia cuộc diễn tập này nhưng Nhật Bản chỉ cử 40 quân nhân.
Trong một tuyên bố chung, 3 nước trên nhấn mạnh họ đặc biệt quan ngại về an ninh của các tuyến đường biển và hàng không qua Biển Đông. Họ cho rằng Trung Quốc có thể áp đặt lệnh giới hạn với các tuyến đường biển và đường không một khi quân đội nước này thiết lập bộ chỉ huy cố định trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.