WHO: Thế giới đang đối mặt với dịch tả lớn nhất trong 20 năm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, các yếu tố bao gồm khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và hậu quả của đại dịch Covid-19 trở thành điều kiện lý tưởng để bệnh tả phát triển mạnh ở các quốc gia có nguy cơ cao. Theo WHO, ít nhất 30 quốc gia đã ghi nhận số ca mắc bệnh tả tăng mạnh.
Chia sẻ với Telegraph, ông Philippe Barboza, người đứng đầu đơn vị ứng phó khẩn cấp với bệnh tả của WHO, cho biết “nhiều quốc gia có những đợt bùng phát lớn xảy ra cùng lúc, chúng tôi chưa từng thấy điều này ít nhất là trong 20 năm qua”.
“Hầu hết các đợt bùng phát lớn mà chúng tôi đang nghiên cứu đều chịu tác động từ những sự kiện khí hậu lớn và bất thường”, ông Barboza nói thêm các quốc gia Nam Phi đặc biệt gặp rủi ro do họ phải đối mặt với mưa lớn và lốc xoáy năm thứ ba liên tiếp.
Vào năm 2022, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đã làm “tăng cường độ” tác động của bệnh tả.
Theo RT, Syria đã tuyên bố đợt bùng phát dịch tả lần đầu tiên sau 15 năm vào năm 2022. Tình hình dịch bệnh càng trở nên tồi tệ hơn sau trận động đất hồi tháng Hai. Lebanon cũng phải đối mặt với dịch tả lần đầu tiên sau 30 năm, giữa lúc quốc gia này đang phải vật lộn với nền kinh tế suy sụp.
Các chuyên gia nói rằng vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ y tế của nhiều quốc gia đã bị quá tải do các ca nhiễm Covid-19, khiến những nỗ lực chống sự bùng phát dịch tả đã bị tạm dừng.
“Bệnh tả có thể được kiểm soát, và cần được kiểm soát. Nó không quá đắt đỏ, chỉ cần cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đó là quyền cơ bản của con người”, ông Barboza nhấn mạnh.
Tả là căn bệnh nghiêm trọng lây nhiễm qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Nó có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị. Số liệu từ WHO cho thấy trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 143.000 người đã chết vì bệnh tả.
Minh Thu