WB: Có thêm 150 triệu người sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2022
The Guardian đưa tin, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ có thêm 150 triệu người vào năm 2022 sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói.
Theo đó, Guardian dẫn nguồn tin Ngân hàng Thế giới cho biết, vào năm 2022, số người sống trong cảnh nghèo đói sẽ tăng thêm 150 triệu người. Do xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã chấm dứt 20 năm tiến bộ trong việc cải thiện mức sống cho những người có thu nhập thấp nhất.
Tỷ lệ dân số thế giới sống với mức dưới 1,9 USD một ngày dự kiến sẽ tăng từ 9,1% lên 9,4% vào năm 2020, với mức tăng này tập trung ở các quốc gia đã có mức nghèo đói cao.
Đại dịch Covid-19 đẩy 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực. (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo hai năm một lần của WB về tình trạng nghèo đói và phúc lợi chung ước tính rằng số người sống với mức dưới 1,9 USD mỗi ngày sẽ tăng 88-115 triệu người trong năm 2020, trong đó riêng vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi chiếm khoảng 40 triệu người. Và tùy thuộc vào mức độ suy thoái kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, vào cuối năm tới số người sống trong cảnh nghèo đói có thể tăng thêm 150 triệu người.
Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng nếu không có đại dịch Covid-19, tỷ lệ đói nghèo vào năm 2020 sẽ giảm xuống dưới 8% tổng dân số trên hành tinh.
“Để đảo ngược sự tụt lùi nghiêm trọng trong nỗ lực giảm nghèo, các quốc gia cần chuẩn bị cho nền kinh tế hậu Covid-19 bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới vào trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế mới. Sự phản ứng chính sách cũng cần phải tương xứng với tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, bao gồm việc hiện đại hóa giáo dục, học tập trực tuyến, triển khai công nghệ mới để mở rộng phạm vi các chương trình bảo trợ xã hội”, Giám đốc WB David Malpass cho biết.
Ông Malpass cho biết thêm, đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến hơn 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực.
Mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2030 đã được Liên Hợp Quốc đặt ra như một điều kiện để phát triển bền vững. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới, tổ chức cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển cho rằng nếu không có hành động nhanh chóng và nghiêm túc thì sẽ không có cơ hội đạt được mục tiêu này.
“Không có căn bệnh nào trở thành mối đe dọa toàn cầu nhanh chóng như Covid-19. Chưa bao giờ những người nghèo nhất trên thế giới cư trú ở các vùng lãnh thổ và quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột lại sống một cách chênh lệch như vậy”, báo cáo của WB nhấn mạnh.
“Hơn nữa, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong 10 năm nữa, 7% dân số thế giới sẽ vẫn sống với mức dưới 1,9 USD/ ngày”, Guardian lưu ý.
Lý do các tỷ phú trở nên giàu có hơn trong đại dịch
Mới đây, theo báo cáo của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS và công ty tư vấn quốc tế PwC, tài sản của các tỷ phú trên thế giới vào cuối tháng 7/2020 đạt 10,2 nghìn tỉ USD, đây là một kỷ lục mới trong lịch sử.
Thanh Bình (lược dịch)