"Vùng phòng không" - nước cờ sai lầm của Trung Quốc
Tuy vậy, theo hãng tin AP, động thái vừa qua của Trung Quốc đã “tiếp thêm nhiệt” cho các tuyên bố của nước này và vẫn có thể dẫn tới tình trạng đối đầu tùy thuộc vào mức độ quyết liệt của Trung Quốc trong việc thực thi “vùng phòng không” và mức độ thận trọng của nước này trước hoạt động của các máy bay Nhật, Mỹ và các nước khác.
Bản đồ “Vùng phòng không” trên biển Hoa Đông do Trung Quốc tuyên bố ngày 23/11. |
Mặc dù việc thực thi “vùng phòng không” của Trung Quốc được dự báo sẽ bắt đầu chậm chạp nhưng do Bắc Kinh có “tiền sử” với phong cách “mưa dầm thấm lâu” nên các nhà phân tích cho rằng các hoạt động của Trung Quốc sẽ diễn ra tăng dần đều.
Hôm 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra thông báo về việc thiết lập “Vùng phòng không” và công bố bản đồ của khu vực này.
Vùng phòng không có hiệu lực từ 10 giờ ngày 23/11 theo giờ địa phương và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo các máy bay đi vào ‘vùng phòng không’ này phải tuân thủ quy định của Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với những "biện pháp phòng thủ khẩn cấp" của nước này.
Cũng trong ngày hôm đó, không quân Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay tuần tra đầu tiên ở khu vực này với sự tham gia của 2 máy bay do thám cỡ lớn kèm theo máy bay cảnh báo sớm và chiến đấu cơ.
Tuyên bố về Vùng phòng không của Trung Quốc đã trở thành “ván bạc” về ngoại giao của nước này. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có lẽ đã tính toán sai mức độ quyết liệt và tốc độ phản đối của các nước láng giềng về những đòi hỏi của nước này đối với “Vùng phòng không”.
Mỹ, quốc gia hiện đang đặt hàng trăm máy bay quân sự trong khu vực, tuyên bố sẽ không tuân thủ các yêu cầu của giới chức Trung Quốc đối với “Vùng phòng không”. Trong khi đó, Nhật Bản coi đây là không phận không có hiệu lực, không thể thực thi và nguy hiểm. Đài Loan và Hàn Quốc cũng phản đối động thái này của Bắc Kinh.
Theo Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Mỹ, Ít nhất về ngắn hạn, động thái này sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực.
“Hành động đó không phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc do gây căng thẳng với quá nhiều quốc gia cùng một lúc”, bà bình luận.
Denny Roy, một chuyên gia về an ninh thuộc Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, cho rằng bước đầu, động thái này của Trung Quốc sẽ dừng ở mức độ “tuyên bố suông”.
“Từ nay trở đi, người Trung Quốc có thể bắt đầu đếm và thông báo về số lần xảy ra cái mà họ coi là hành động xâm phạm của Nhật Bản, đồng thời lập luận rằng phía Trung Quốc đã hết sức kiềm chế, không thực hiện quyền được nố súng trước và tuyên bố nước này không thể kiên nhẫn như vậy vô thời hạn”, chuyên gia Roy nhận định.
Theo Greg Waldron, biên tập viên mảng châu Á của tạp chí Flightglobal ở Singapore, Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với những khó khăn trong việc thực thi “Vùng phòng không”. Không quân Trung Quốc hạn chế về năng lực tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay, năng lực cảnh báo sớm dẫn tới khó có khả năng duy trì máy bay của nước này hay phát hiện máy bay nước ngoài trong “Vùng phòng không”.
Sau khi Trung Quốc thông báo về “Vùng phòng không”, hôm 26/11, Mỹ đã điều động máy bay ném bom B-52 bay vào khu vực này mà không thông báo cho Bắc Kinh. |
Bất chấp những hạn chế nói trên, Bắc Kinh không có dấu hiệu rút lui. Tại Biển Đông, vùng biển ở khu vực Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với hoạt động giao thương của thế giới, Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hung hăng hơn nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng.
Căng thẳng Nhật – Trung leo cao kể từ khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vào tháng 12 năm ngoái. Ngay sau đó, hàng loạt cuộc biểu tình và chiến dịch tẩy chay hàng Nhật diễn ra trên nhiều thành phố ở Trung Quốc.
Kể từ đó, các tàu canh gác bờ biển Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên đối đầu nhau ở vùng biển quan quần đảo này. Tháng trước, Tokyo lại khiến Bắc Kinh nổi giận vì dọa bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc ở không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hành động lập Vùng phòng không của Bắc Kinh được giới tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt. Điều đó cho thấy Bắc Kinh rất cần phải xoa dịu tầng lớp hay “lớn tiếng” nhất trong dư luận Trung Quốc. Về mặt chiến lược, động thái này cũng giúp cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo tiếp diễn phục vụ cho mục tiêu của Bắc Kinh buộc Tokyo phải chấp nhận có tranh chấp – và đây có thể là bước đi khởi đầu để Trung Quốc hướng tới việc quản lý chung hoặc đơn phương kiểm soát quần đảo này.
Dennis Blasko, một nhà phân tích và cựu đại diện quân sự Mỹ tại Bắc Kinh, cho rằng hành động trên của Trung Quốc cũng nhằm đáp lại vùng phòng không do Nhật Bản áp đặt trên biển Hoa Đông.
Vùng phòng không của Nhật Bản thiết lập từ những năm 1960 có một số khu vực trùng với “Vùng phòng không” mà Trung Quốc vừa thông báo. Nhật Bản vẫn lưu lại thông tin của tất cả những lần máy bay nước ngoài bay vào không phận này và hồi tháng Năm đã mở rộng không phận này thêm 22km về hướng tây.