Vụ thầy giáo bị phạt vì thông tin sai sự thật: "Đừng coi trọng việc câu like vớ vẩn"
“Sự việc giáo viên đăng tải những nội dung sai sự thật lên mạng xã hội và bị xử phạt không phải ít nhưng tôi không hiểu tại sao những giáo viên như thầy T. vẫn vấp phải vết xe đổ đó".
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với ông Đào Quốc T. - giáo viên Trường THPT Hương Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội.
Được biết, ông Đào Quốc T. - giáo viên Trường THPT Hương Sơn tài khoản Facebook đăng tải nội dung bôi bác, xúc phạm tổ chức, kèm theo hình ảnh Đại hội xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cùng với đó là thông tin sai về dịch bệnh Covid – 19.
Sự việc của thầy T. khiến nhiều giáo viên phải nhìn nhận lại cách sử dụng mạng xã hội trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Ảnh minh họa |
Cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Sự việc giáo viên đăng tải những nội dung sai sự thật lên mạng xã hội và bị xử phạt không phải ít nhưng tôi không hiểu tại sao những giáo viên như thầy T. vẫn vấp phải vết xe đổ đó.
Tôi được biết, tháng 2/2020, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cũng đã xử phạt một giáo viên (đang công tác tại một trường học trên địa bàn thành phố Cà Mau) 10 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật về dịch bệnh. Sau mỗi sự việc, chẳng lẽ giáo viên không rút được bài học cho chính bản thân mình?”
Cô Loan phân tích, trong xã hội, thầy cô giáo luôn được gắn với những chuẩn mực nhất định. Chính vì thế mà trong suy nghĩ của nhiều học sinh và phụ huynh, những gì thầy cô nói ra thì nó mặc định là điều đúng.
Giáo viên dùng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…chia sẻ những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt thì đối tượng chịu hậu quả lớn nhất chính là học sinh và phụ huynh của mình. Không biết điều này, thầy cô có từng nghĩ đến hay là nghĩ mình thích nói gì thì nói, viết gì thì viết?
“Khi những chiến sĩ áo trắng đang từng ngày oằn mình chống lại dịch bệnh, để không ai bị bỏ lại phía sau, để học sinh được đến trường, để người lớn được đi làm, để mang lại cuộc sống bình thường cho mọi người thì những thông tin sai sự thật được phát ngôn từ những người thầy như thầy T. sẽ gây hoang mang, lo lắng, sợ hãi cho học sinh và phụ huynh, gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội. Đó không phải hành động của một người được giao sứ mệnh đứng trên bục giảng.
Tôi mong rằng, hơn ai hết, giáo viên trước khi đưa thông tin lên mạng xã hội cần phải kiểm chứng, hãy đưa những nội dung có tính giáo dục chứ đừng coi trọng việc câu like hết sức vớ vẩn”, cô Loan nói.
Theo cô Loan, mỗi thầy cô giáo là một tuyên truyền viên tích cực để giúp học sinh, phụ huynh hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Dùng mạng xã hội một cách thông minh và khoa học, biến mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích phục vụ cuộc sống, truyền tải thông tin tốt, định hướng mọi người đến những giá trị chân - thiện - mỹ mới là điều thầy cô nên làm.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục. Về quy tắc ứng xử chung, Bộ quy tắc quy định cán bộ quản lý, giáo viên không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Về ứng xử của giáo viên, Bộ quy tắc quy định ứng xử với người học, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học.
Đồng thời, tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Ứng xử với cha mẹ người học và khách đến trường, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.