Vụ rau bẩn tuồn vào trường học: Phụ huynh như ngồi trên đống lửa
“Từ lúc đọc được thông tin các cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm cung cấp vào các trường trên địa bàn quận Tây Hồ không rõ nguồn gốc xuất xứ, hai vợ chồng mình như ngồi trên đống lửa. Bữa ăn bán trú của các con không đủ dinh dưỡng, không đảm bảo an toàn, sức khỏe bị ảnh hưởng ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, một phụ huynh cho biết.
Rau không rõ nguồn gốc tuồn vào trường học đang là mối lo ngại của các vị phụ huynh |
Có thể thấy, ở các thành phố lớn, do đặc thù công việc nên bố mẹ thường đi làm từ sáng tới tối mới về nên đa số các phụ huynh không có thời gian đón con về nhà ăn trưa. Chính vì vậy mà biện pháp để cho các con ăn bán trú tại trường học sẽ là lựa chọn duy nhất của các phụ huynh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học. Nhất là vào ngày 14/1 vừa qua Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra rau, củ quả của Công ty Trung Thành cung cấp cho 7 bếp ăn của trường mầm non và THCS trên địa bàn quận Tây Hồ.
Dù cam kết đây là rau an toàn nhưng khi hỏi giấy tờ thì nhân viên công ty này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của những loại rau này. Trước sự cố này đã khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con khi ăn bán trú.
Chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Từ lúc đọc được thông tin các cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm cung cấp vào các trường trên địa bàn quận Tây Hồ không rõ nguồn gốc xuất xứ, hai vợ chồng mình như ngồi trên đống lửa. Tiền thì kì nào cũng đóng đầy đủ mà con lại phải ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Vì lợi nhuận người ta sẵn sàng phun thuốc kích thích, thuốc sâu và vô vàn những loại thuốc độc hại hơn nữa sau đó nhẫn tâm đưa vào bữa ăn bán trú của các con.
Bữa ăn của các con không đủ dinh dưỡng, không đảm bảo an toàn, sức khỏe bị ảnh hưởng ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Tình hình thế này, có lẽ hai vợ chồng mình phải thay phiên nhau đón con về nhà ăn trưa cho đảm bảo sức khỏe”.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Hoàng Yến (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Nhà mình cả hai vợ chồng đều làm kinh doanh nên bận từ sáng sớm tới tận đêm. Ông bà có tuổi, đi lại khó khăn nên không có điều kiện đón cháu về ăn trưa. Thế nên, đành cho cháu ăn bán trú ở trường với các bạn.
Trước đó, nhà trường cũng cam kết thực phẩm phục vụ cho bữa ăn của các con sẽ là những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khuất mắt trông coi thôi, không tận mắt nhìn thấy các đơn vị cung cấp lấy thực phẩm từ đâu nên cũng chưa tin được.
Mặc dù, họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cũng công khai các cam kết với đơn vị cung cấp thực phẩm. Thế nhưng, cam kết là trên giấy tờ, trên lý thuyết còn thực hư thế nào thì cũng không ai biết được.
Sợ nhất là con ăn phải thực phẩm bẩn dẫn đến ngộ độc, ảnh hưởng đến việc học tập. Hơn thế, ăn những thực phẩm không chuẩn lâu ngày, các chất độc tích tụ gây ung thư là điều khiến mình lo lắng nhất”.
Một phụ huynh khác tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, ngay từ khi con mới vào lớp 1 hai vợ chồng chị đã rất đau đầu với việc ăn bán trú của con. Cho con ăn ở trường thì sợ con bị bỏ đói, sợ con không đủ dinh dưỡng vì bé nhà mình lười ăn, rồi lo thực phẩm ở trường không hợp vệ sinh. Cho con về nhà thì không ai đưa đón và nấu nướng cho con được.
“Cuối cùng, nhà mình bèn tìm một giải pháp mà mình cho là hợp lý đó chính là thuê osin chuyên nấu nướng, đưa đón và tắm giặt cho con. Chỉ có thể mình mới yên tâm công tác chứ cả ngày ở công ty, làm sao biết con ăn gì? Thực phẩm đó ở đâu? Con ăn có no không?” – Chị chia sẻ.
Được biết, năm 2014-2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1.400 trường có bếp ăn bán trú. Trogn đó, số trường tự tổ chức nấu ăn là 1.077 trường, có 317 trường phải thuê các đơn vị khác cung cấp suất ăn. Có thể thấy, việc phục vụ ăn bán trú tại trường của học sinh có rất nhiều hình thức khác nhau. Vì thế việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cực kì phức tạp.