Vũ khí phòng thân 'cháy hàng' sau vụ giết người ở nhà ga tàu điện ngầm Seoul
Sau vụ việc một người đàn ông cố tình bám đuôi và giết hại nữ đồng nghiệp ngay trong nhà vệ sinh dưới nhà ga tàu điện ngầm thuộc hệ thống Seoul Metro, doanh thu bán các thiết bị và vũ khí phòng thân ở Hàn Quốc đang tăng lên nhanh chóng.
Cô Kim ngoài 30 tuổi là nhân viên văn phòng đang sinh sống ở tỉnh Gyeonggi cho biết, cô đã mua thiết bị báo động và bình xịt hơi cay để bảo vệ bản thân sau khi biết được thông tin xảy ra vụ giết người dưới nhà ga tàu điện ngầm Seoul vào tuần trước.
“Tôi nghĩ rằng ai cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ khi nào, nên tôi đã quyết định mang theo vũ khí phòng thân. Sự việc kinh hoàng có thể xảy ra ở một nơi đông đúc như vậy, tôi cần tự bảo vệ bản thân”, cô Kim cho hay.
Theo Yonhap, nam nhân viên có tên Jeon Joo-hwan làm việc tại Seoul Metro, hệ thống tàu điện ngầm vùng đô thị Seoul, đã đâm nữ nạn nhân ngoài 20 tuổi tới chết tại phòng vệ sinh nữ thuộc Nhà ga Sindang vào tối ngày 14/9. Đối tượng đã bị các nhân viên làm việc tại nhà ga và người dân gần đó bắt giữ ngay tại hiện trường, và sau đó bàn giao cho cảnh sát vào lúc 21h (giờ địa phương). Sự việc xảy ra chỉ trước một ngày đối tượng ra tòa để nhận án phạt do bị cáo buộc bám đuôi nữ đồng nghiệp.
Chia sẻ với Korea Times, một nữ nhân viên văn phòng khác họ Kwon cũng ở tỉnh Gyeonggi cho biết cô đã bắt đầu mang theo bình xịt hơi cay và súng phóng điện mỗi khi bước ra khỏi nhà để đi làm vào buổi sáng.
Cô Kwon nhấn mạnh những thông tin về các vụ án giết người và quấy rối tình dục nhằm vào phụ nữ được truyền thông đăng tải hàng ngày khiến cô “cảm thấy không được an toàn nếu như không có thiết bị phòng thân nhất là sau vụ án giết người ở Nhà ga Sindang”.
Cũng theo cô Kwon, cô đã cho tái kích hoạt chức năng báo động khẩn cấp SOS trên đồng hồ thông minh để tự động liên lạc tới đường dây khẩn cấp với một thao tác bấm nút. Thậm chí, cô gái còn chuyển sang đi giày sneaker thay vì đi giày cao gót để có thể chạy trốn nhanh chóng khỏi đối tượng nguy hiểm tiềm tàng.
Không chỉ cô Kim hay cô Kwon mà ngày càng nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc có chung mối lo sợ như trên. Chuyện này khiến doanh thu bán các thiết bị và vũ khí phòng thân ở "đất nước củ sâm" tăng nhanh.
Một vài thiết bị phòng thân như bình xịt hơi cay, chuông báo động, gậy sắt hay súng phóng điện đang được rao bán trên mạng với mức giá từ 7.000 – 30.000 won (4,9 – 20 USD).
Nhân viên giấu tên làm việc cho một trang web bán các thiết bị phòng thân nói rằng, công ty của anh ta ghi nhận doanh số tăng gần gấp đôi kể từ sau vụ kẻ bám đuôi giết người tại nhà ga tàu điện ngầm Seoul.
Trên trang web, nhiều khách hàng còn để lại lý do họ tìm mua sản phẩm phòng thân. Theo đó, lý do chính là họ cảm thấy không được an toàn khi ra ngoài đường vào buổi tối, hoặc sợ có đối tượng bám theo đi vào thang máy hay nhà vệ sinh công cộng để làm hại.
Đáng nói, theo nam nhân viên, tỷ lệ khách hàng nam/nữ mua thiết bị phòng thân hiện là gần 50:50. Bởi nhiều nam giới cũng đang chọn mua sản phẩm phòng thân làm quà tặng cho những người phụ nữ trong gia đình hoặc bạn gái.
Thông tin về các đặc điểm nổi trội và hướng dẫn sử dụng thiết bị phòng thân cũng được công khai trên mạng. Một cư dân mạng đánh giá đèn pin chiến thuật là thiết bị phòng thân vừa hiệu quả vừa an toàn. Bởi thiết bị này giúp nạn nhân có thời gian chạy trốn, trong khi làm kẻ tấn công bị mất phương hướng mà không cần tác động vật lý.
Nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bám đuôi
Những vụ tấn công hay giết người sau thời gian bám đuôi xảy ra thời gian qua đặc biệt nhằm vào phụ nữ khiến dư luận Hàn Quốc không khỏi bị sốc. Nhiều người chỉ trích các biện pháp mà cảnh sát đang thi hành không có tác dụng ngăn chặn thảm kịch.
Hôm 26/9, Bộ phận Chính sách Bình đẳng Giới thuộc Văn phòng Chính sách Phụ nữ và Gia đình của chính quyền thành phố Seoul đã thông báo về các sáng kiến nhằm ngăn chặn xảy ra những vụ việc thương tâm liên quan tới tội phạm bám đuôi.
Đầu tiên, chính quyền thành phố sẽ đưa ra thêm 3 cơ sở tạm lánh mới vào tháng 10 để những nạn nhân bị rình rập tới trú ngụ, mà trong đó 2 cơ sở phục vụ nữ giới và 1 cơ sở cho nam giới. Đây là lần đầu tiên, Hàn Quốc có cơ sở tạm lánh cho người bị bám đuôi. Những cơ sở này sẽ vừa bảo vệ vừa hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, đồng thời giúp họ duy trì cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các cơ sở này sẽ bảo vệ nạn nhân bằng cách giới hạn hoạt động sống cá nhân để tránh làm lộ thông tin cho kẻ rình rập.
Ngoài ra, trong năm nay, chính quyền và cảnh sát thành phố Seoul sẽ cung cấp 3 thiết bị an ninh gồm chuông cửa thông minh, camera giám sát an ninh, và thiết bị cảm biến mở cửa cho 500 nạn nhân đang bị bám đuôi và đang được cảnh sát theo dõi.
Do phần lớn nạn nhân là ngoài 20 hoặc ngoài 30 tuổi và thông thạo sử dụng mạng internet, nên chính quyền Seoul sẽ cho triển khai các phòng trò chuyện trực tuyến để tư vấn và chia sẻ thông tin với nạn nhân bị rình mò.
Ngoài ra, chính quyền Seoul cũng sẽ tiến hành điều tra dư luận 3 năm/lần bắt đầu từ năm 2023 về mức độ tác động của tội phạm bám đuôi đối với xã hội.
Sau khi ban hành các bộ luật mới vào tháng 4/2021 nhằm trừng phạt tội phạm bám đuôi, chính quyền thành phố Seoul đã thực hiện tư vấn cho các nạn nhân, chăm sóc y tế, cung cấp nơi tạm lánh và hỗ trợ pháp lý cùng với các ban ngành liên quan đang phụ trách giúp đỡ những nạn nhân của bạo lực gia đình và tấn công tình dục. Tuy nhiên, thủ đô Seoul vẫn thiếu vắng của các trung tâm hỗ trợ chuyên dành cho nạn nhân bị rình rập và quấy rối thời gian dài.
Minh Thu (lược dịch)