Công ty đường sắt bị ‘ném đá’ vì từ chối bán băng vệ sinh
Công ty Đường sắt Quốc gia Trung Quốc China Railway đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì không bán băng vệ sinh trên các chuyến tàu. Nhiều người cáo buộc công ty đã phớt lờ các quyền của phụ nữ và thậm chí là kỳ thị giới tính.
Trước đó, một nữ hành khách đã chia sẻ lên mạng câu chuyện cô cảm thấy bối rối khi cố gắng tìm nơi bán băng vệ sinh trên chuyến tàu cao tốc, do kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn so với dự kiến.
“Tôi không muốn có thêm người phụ nữ nào phải chịu cảnh xấu hổ giống mình, nên tôi đưa vấn đề lên đây và hy vọng sẽ có phương án giải quyết”, người phụ nữ giấu tên chia sẻ trên Weibo hồi tuần trước.
Các cuộc thảo luận trực tuyến hiện tập trung vào vấn đề băng vệ sinh đáng lẽ là mặt hàng luôn sẵn có để bán trên các chuyến tàu của công ty đường sắt China Railway. Tuy nhiên, người phụ nữ cho hay nhân viên trên tàu nói rằng họ có bán đồ ăn vặt và đồ lưu niệm, nhưng băng vệ sinh là “đồ cá nhân” nên “không được bày bán như các mặt hàng khác”.
Trả lời Pear Video, đại diện phòng dịch vụ khách hàng của Công ty Đường sắt China Railway cho hay công ty từ chối bán băng vệ sinh vì đây là “đồ cá nhân” và hành khách “tự chuẩn bị”.
Chủ đề trên đang trở thành xu hướng tìm kiếm trên Weibo, thu hút hơn 760 triệu lượt xem và gần 200.000 bình luận tính tới trưa ngày 20/9.
Trong khi nhiều người bày tỏ họ ngạc nhiên khi biết công ty đường sắt không bán băng vệ sinh trên các chuyến tàu và kêu gọi nhà điều hành thay đổi quan điểm, không ít người lại đứng ra bênh vực khi cho rằng băng vệ sinh chỉ là một phần nhỏ trong nhu cầu của đa số hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt.
“Băng vệ sinh dường như là một vấn đề nhỏ, nhưng đằng sau nó là thực tế bị phớt lờ suốt nhiều năm qua và bỏ qua các quyền của phụ nữ”, Giáo sư Duan Tao tại Bệnh viện Phụ sản số 1 Thượng Hải nhấn mạnh.
“Hầu hết người ra quyết định các vấn đề công là nam giới, họ chỉ tập trung vào các cơ sở công cộng và phương tiện giao thông nên được xây dựng ra sao. Dù có sự tham gia của phụ nữ, nhưng các đặc điểm sinh học của nữ giới hiếm khi được xem xét trong quá trình đưa ra quyết định", ông Tao chia sẻ quan điểm trong bài đăng trên Weibo hôm 19/9.
Một bài viết trên ấn phẩm China Comment của Tân Hoa Xã cũng đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách xem xét nhu cầu của phụ nữ.
“Là một trong những đồ thiết yếu của phụ nữ, băng vệ sinh cần được phục vụ trong xã hội văn minh và hiện đại giống như việc chúng ta cố gắng đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác của người dân”, bài viết nhận định.
Dù nhận thức của xã hội về các quyền của phụ nữ đã được gia tăng, nhưng chuyện kinh nguyệt vẫn được xem là chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Thậm chí, người ta không gọi thẳng vấn đề mà dùng những từ ngữ né tránh như “bà dì của tôi” để nói về kinh nguyệt.
“Có lẽ chỉ khi xã hội chấm dứt sự kỳ thị về kinh nguyệt và thoải mái nói trực tiếp về chủ đề này, băng vệ sinh mới trở thành loại 'hàng hóa bình thường', thay vì bị xem là ‘đồ cá nhân’", một người dùng bình luận trên Weibo.
Minh Thu (lược dịch)