Vũ khí hạt nhân đã thay đổi số phận của Liên Xô và thế giới như thế nào?
Bom hạt nhân của Liên Xô |
Ngày 29/8/1949, Liên Xô đã thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên tại thao trường Semipalatinsk. Thời điểm đó, Hoa Kỳ đã hai lần sử dụng thứ vũ khí mới này ở Nhật Bản và vẫn chưa có ý định dừng lại.
Sáu tháng sau khi vụ ném bom nguyên tử đầu tiên, ngày 5/3/1946, Winston Churchill có bài diễn văn trên đài phát thanh nổi tiếng Fulton, thông báo về Chiến tranh Lạnh. Washington tin rằng đến năm 1955 Liên Xô mới có thể tự chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo kế hoạch của lãnh đạo Hoa Kỳ và các đồng minh, cuộc chiến tranh nóng phải bắt đầu vào cuối năm 1949. Cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên tại Semipalatinsk đã loại bỏ sự độc quyền hạt nhân của Mỹ và đảm bảo cho Liên Xô phát triển hòa bình trong một thời gian dài.
Ngày nay tất cả đều biết Nga có tiềm năng hạt nhân thuộc hàng đáng gờm nhất thế giới. Theo các nguồn tin, vũ khí hạt nhân được các quốc gia sở hữu như sau: Nga - 8.000 đầu đạn, Hoa Kỳ - 7300, Vương Quốc Anh - 225, Pháp - 300, Trung Quốc - 250, Pakistan – khoảng 100-120, Ấn Độ - khoảng 90-110, Israel - 80, Triều Tiên – khoảng 8. Trong số đó, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẵn sàng đưa vào sử dụng là Nga (1600 đầu đạn), Mỹ (1920 đầu đạn), Anh (160 đầu đạn) và Pháp (290 đầu đạn). Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga lớn hơn nhiều so với lượng dự trữ tương tự của Mỹ. Cả thế giới đều thừa nhận rằng nếu không có Nga các vấn đề toàn cầu về an toàn hạt nhân không thể giải quyết được.
Khai thác năng lượng nguyên tử
Các nhà vật lí đã mất gần 40 năm mới có được thành công trong cuộc thử nghiệm tại Semipalatinsk năm 1949. Tháng 12/1910, lần đầu tiên Viện khoa học Hàn lâm Nga tổ chức một cuộc hội thảo với chủ để "khơi mở hiện tượng phóng xạ của nguồn năng lượng hạt nhân, có sức mạnh lớn hơn hàng triệu lần so với trí tưởng tượng của con người". Mặc dù trải qua những khó khăn khách quan trong những năm đầu tiên của chính quyền Xô Viết, Viện Radium (RIAN) đã được thành lập vào năm 1922.
Sáu năm sau, nhà vật lí lí thuyết của viện RIAN Georgy Gamov đã tạo ra lý thuyết đầu tiên về sự phân rã hạt nhân alpha (đạt quy mô thế giới, và được công nhận ở nước ngoài). Vào những năm 1930, vật lý hạt nhân đã trở thành một trong những hướng chính của khoa học vật lý Nga. Khi nhóm nghiên cứu hạt nhân của Ioffe và Kurchatov bắt đầu làm việc, Liên Xô trở thành nước thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ), có máy gia tốc cộng hưởng từ.
Năm 1940, tại Hội nghị Liên hiệp về Vật lý hạt nhân nguyên tử, Igor Kurchatov tuyên bố, các nhà vật lý Liên Xô đang tiến sát tới một phản ứng hạt nhân dây chuyền. Và ông đã phân tích các khả năng phản ứng dây chuyền đối với các neutron nhanh trong urani - 235 tinh khiết mà không cần điều tiết (nguyên tắc cơ bản tích hợp bom nguyên tử).
Dự án vũ khí hạt nhân chính thức đầu tiên được lãnh đạo Liên Xô xem xét được giao cho nhóm các nhà khoa học đứng đầu là Friedrich Lange (Viện Vật lý và Công nghệ Kharkov).
Kể từ giữa những năm 1930 khi chiến dịch chống lại "kẻ thù của nhân dân" đã bắt đầu tiến hành, Liên Xô không cho phép lưu hành các tài liệu chuyên ngành nước ngoài, do đó các nhà khoa học-nhà nghiên cứu hạt nhân Liên Xô đã không thể sử dụng những thành tựu của khoa học thế giới.
Mùa hè năm 1940, Ủy ban Uranium của Viện Hàn lâm Liên Xô ra mắt, họ tổ chức nghiên cứu về năng lượng hạt nhân trong một số lĩnh vực ứng dụng. Vào năm 1942, Đại học Kazan tiến hành hoạt động tại Phòng thí nghiệm ứng dụng số 2 dưới sự chỉ đạo của Igor Kurchatov. Tháng 2/1943 Ủy ban Quốc phòng Nhà nước đã quyết định áp dụng các nghiên cứu hạt nhân. Đến thời điểm này tình báo của Liên Xô đã nắm được thông tin về các dự án nguyên tử của Mỹ. Chỉ sau hai tuần sau khi thiết bị bom nguyên tử đầu tiên được lắp ráp, Moscow đã có trong tay sơ đồ chi tiết.
Bom hạt nhân của Liên Xô/Nga |
Vụ thử bom hạt nhân tại Ural
Tháng 6/1948, để tiến hành việc sản xuất đầu đạn hạt nhân tại thành phố Chelyabinsk-40, miền nam Ural, người ta cho xây dựng nhà máy tích hợp số 817 (nay là Hiệp hội Sản xuất "Mayak") và lò phản ứng plutonium đầu tiên. Trong cùng năm, họ đã có đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất quả bom đầu tiên.
Tài liệu tình báo về dự án plutonium của Mỹ giúp Liên Xô tránh sai sót và giảm thời gian tạo ra quả bom đầu tiên. Để chắc chắn, nó đã được lắp ráp theo chương trình của Mỹ. Sau này, các nhà khoa học Liên Xô đã từ chối rất nhiều các giải pháp kỹ thuật của các đồng nghiệp Mỹ, và đưa ra các phương pháp hiệu quả hơn. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của nước ngoài về dự án nguyên tử của Liên Xô, cần phải nhắc đến vài trăm chuyên gia hạt nhân của Đức làm việc trên hai cơ sở bí mật tại thủ đô của Abkhazia. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Viện khoa học Nga Zhores Alferov, "không có thông tin tình báo thì người Nga vẫn có thể giải quyết vấn đề vũ khí nguyên tử và hạt nhân, thực tế, vũ khí hạt nhân thực chất đã được tạo ra ở Liên Xô từ những năm 1920-1930, ở ngay trong nước chúng tôi đã có thành quả vật lý của riêng mình".
Theo yêu cầu chiến thuật và kỹ thuật, có thêm hai loại bom nguyên tử được phát triển (plutoni và urani). Quả bom nguyên tử đầu tiên RDS-1 được tạo ra cho máy bay Tu-4. Đây là một quả bom có cấu trúc đa tầng (trong lượng 4,7 tấn, đường kính 1,5 mét và chiều dài 3,3 mét), chuyển plutoni thành trạng thái siêu tới hạn bằng cách nén.
RDS-1 được thử nghiệm ở khu vực cách 170 km về phía tây Semipalatinsk. Khu vực thí nghiệm có đường kính 10 km được chia thành các khu vực, được trang bị các cơ sở đặc biệt để giám sát và ghi lại các thông số của vụ nổ.
Quả bom đầu tiên đã được lắp đặt trên một tháp cao 37,5 mét, ở trung tâm của khu vực thực nghiệm. Trưởng nhóm kiểm tra Igor Kurchatov đã ra lệnh thử RDS-1 vào sáng ngày 29/8/1949. Lúc 7 giờ giờ địa phương, đầu đạn hạt nhân có sức công phá 22 kiloton tương đương 22.000 tấn TNT đã được kích hoạt.
Liên Xô đã trở thành quốc gia hạt nhân thứ hai trên thế giới, gần một tháng sau đó Tổng thống Mỹ Harry Truman đã phải đau đớn thừa nhận thực tế này. Và phía trước còn có thêm một sự sỉ nhục công nghệ Mỹ - "Tsar-bom" (bom Sa hoàng) của Liên Xô.
Trong những thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã tiến hành 1032 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân (1945-1992), bao gồm cả việc sử dụng chiến đấu ở Nhật Bản. Về phần mình, Liên Xô tiến hành 715 vụ thử hoà bình (1949-1990) – nguyên tắc đồng đẳng hạt nhân không còn cần thiết nữa. Con đường dẫn đến hòa bình vẫn gian nan, không ai đùa được với các chính trị gia với một nhánh ô liu trong tay họ.