Vụ Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài: Nên nhân đạo với ngư dân Việt Nam
Ngày 19/5, dẫn lời Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastusi, tờ Jakarta đưa tin cho biết, 41 tàu cá nước ngoài của các quốc gia Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc đã bị Indonesia cảnh báo nhằm thực hiện nghiêm "ngày hành vì nhận thức quốc gia" của nước này.
Cụ thể, Indonesia đánh chìm 5 tàu Việt Nam, hai tàu Thái Lan, 11 tàu Philippines và một tàu Trung Quốc.
Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài. |
Một số quốc gia Đông Nam Á đã lên tiếng chỉ trích hành động đánh chìm các tàu nước ngoài của chính phủ Indonesia. Song, Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo cho rằng đây là bước đi cần thiết để ngăn chặn tình trạng thất thoát hàng tỷ USD mỗi năm vì hoạt động đánh bắt trái phép của các tàu nước ngoài.
Lên tiếng trước thông tin này của các hãng truyền thông nước ngoài, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng trong nước đang liên hệ với phía Indonesia, cùng với đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia để xác minh thêm thông tin. Tuy nhiên, theo ông, phía Indonesia nên đối xử nhân đạo với tất cả các ngư dân.
“Indonesia cần quan tâm đến mối quan ngại của các nước liên quan, xử lý thoả đáng vấn đề tàu cá và ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế; cũng như là tinh thần đối xử nhân đạo đối với các ngư dân”, ông Lê Hải Bình bình luận.
Theo The Jakarta Post, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 – 3/2015, Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp cùng Hải quân Indonesia đã đánh chìm 18 tàu nước ngoài của Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Cũng trong buổi họp báo thường kỳ ngày 21/5, ông Lê Hải Bình cũng đã lên tiếng bổ sung cho quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc công bố lệnh đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc không có quyền đưa ra bất cứ hoạt động nào trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
Ông khẳng định, “Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay”.
Như vậy, để ngăn chặn các hoạt động trái với luật pháp quốc tế, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác thuỷ hải sản để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân Việt Nam.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác thuỷ hải sản của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam để xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh đột xuất trên biển”, ông Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết.
Vào ngày 16/5, các hãng truyền thông Trung Quốc đưa tin cho biết, nước này, cụ thể là Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài trong hai tháng rưỡi, đến 12h ngày 1/8. Khu vực biển mà Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông. Hành vi độc đoán và bành trướng này đã khiến các nước láng giềng với Trung Quốc tỏ ra lo ngại, dẫn đến tình hình an ninh khu vực ở Biển Đông lại bị đẩy lên một nấc leo thang mới.