Vụ đền bù “nhầm” gần 6 tỉ đồng: Người tố cáo bị uy hiếp, khủng bố tinh thần (4)
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Khanh là một trong những người đã tố cáo sai phạm trong quá trình đền bù tại thủy lợi Đắk Rồ. |
Người tố cáo liên tục bị uy hiếp?
Trao đổi với PV Infonet, một số người đứng ra tố cáo những sai sót xoay quanh danh sách 19 hộ được phê duyệt đền bù tại công trình thủy lợi Đắk Rồ (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) khẳng định, họ từng bị các đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin đe dọa, uy hiếp tinh thần.
Theo ông Nguyễn Xuân Khanh, khi mới gửi đơn tố cáo, có một số đối tượng tới gặp ông, yêu cầu rút đơn và hứa sẽ “bồi dưỡng”.
Tuy nhiên, ông Khanh không chấp nhận và kiên quyết đưa vụ việc ra ánh sáng, đòi lại quyền lợi cho những người xứng đáng được đền bù. Sau đó, ông Khanh liên tục bị các đối tượng lạ gọi điện thoại, nhắn tin, uy hiếp tinh thần. Để bảo vệ bản thân và gia đình, ông Khanh phải làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng.
![]() |
Đơn tố cáo của bà Thường. |
Ngày 14/9/2017, Ban pháp chế HĐND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản, chuyển đơn của ông Khanh về cho Chủ tịch UBND huyện Krông Nô. Văn bản chuyển đơn nêu rõ: “Chủ tịch UBND huyện Krông Nô có trách nhiệm chỉ đạo, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý những đối tượng cố ý làm trái để trục lợi, xâm hại đến quyền cơ bản của công dân (nếu có) và thông báo kết quả cho Ban pháp chế HĐND tỉnh Đắk Nông”.
Cũng vào năm 2017, bà Trần Thị Thường (buôn K62, xã Đắk Đrô) cũng nhiều lần đứng ra làm chứng việc hỗ trợ, bồi thường tại công trình thủy lợi Đắk Rồ không đúng diện tích, không đúng đối tượng.
Bà Thường cho rằng, cũng vì việc này, gia đình bà liên tục bị đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần. Do đó, bà đã làm đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng, nhờ có biện pháp xử lý.
![]() |
Bị đe dọa, bà Thường phải cầu cứu cơ quan chức năng. |
Sau đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Đắk Nông) đã có thông báo, trả lời đơn của bà Thường. Theo thông báo này, vụ việc chưa đến mức nghiêm trọng (chỉ dừng lại ở việc nhắn tin đe dọa). Căn cứ vào quy định của pháp luật, thẩm quyền giải quyết đơn của bà Thường thuộc về Công an huyện Krông Nô. Do đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã chuyển đơn của bà đến Trưởng Công an huyện Krông Nô để xử lý theo quy định.
Trước đó, UBND xã Đắk Đrô đã có thông báo, tiếp nhận phản ánh của người dân trong việc phát hiện các sai sót đối với các hộ có tên trong danh sách được đền bù năm 2017.
Theo thông báo này, bà con có thể phản ánh trực tiếp qua số điện thoại di động của ông Doãn Đức Toàn, công chức địa chính xã Đắk Đrô. Thông báo của UBND xã Đắk Đrô cũng nêu rõ, mọi thông tin về người cung cấp, tố cáo sẽ được bảo mật.
Tuy nhiên, đến nay, những người đứng ra tố cáo vẫn không hiểu lý do vì sao thông tin cá nhân của họ lại bị các đối tượng xấu biết và dùng nó để nhắn tin đe dọa.
![]() |
Từ tố cáo của người dân, lực lượng chức năng đã đo đạc lại và phát hiện ra sai sót |
Ai chịu trách nhiệm?
PV Infonet đã nhiều lần đến UBND huyện Krông Nô, BQLDA và UBND xã Đắk Đrô để làm việc, xin ý kiến về vấn đề này nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Cán bộ tại BQLDA huyện Krông Nô cũng như lãnh đạo UBND xã Đắk Đrô đều cho rằng, do điều chỉnh cao độ của lòng hồ, mực nước năm 2017 khác năm 2019, dẫn tới sai số. Tuy nhiên, họ không thể giải thích vì sao nhiều hộ không có đất hoặc đã được đền bù trước đó mà vẫn có tên trong danh sách.
![]() |
Một phần diện tích hồ thủy lợi Đắk Rồ |
Ông Nguyễn Văn Rĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk Đrô cho rằng: “Có thể nhiều hộ dân tham lam, đã nhận đền bù trước đó nhưng vẫn tiếp tục khai báo gian dối để hưởng thêm. Về việc có cán bộ tiếp tay hay không thì tôi không biết”.
Còn theo ông Phạm Văn Hải, PGĐ BQLDA huyện Krông Nô, trách nhiệm để xảy ra sai sót trong quá trình đền bù thuộc về các lãnh đạo thời tiền nhiệm ở các đơn vị liên quan, trong đó có Trung tâm phát triển quỹ đất. Vị cán bộ này chia sẻ thêm, ông mới về nhận công tác tại BQLDA huyện Krông Nô và rất "mệt mỏi" khi phải giải quyết vụ việc rắc rối này.
![]() |
Sau khi bị tố cáo, lực lượng chức năng buộc phải tạm ngưng việc chi trả bồi thường để rà soát lại. |
Được biết, trước khi danh sách đền bù được phê duyệt, các đơn vị như Phòng Tài nguyên và Môi Trường, Trung tâm phát triển quỹ đất, cán bộ địa chính xã Đắk Đrô đã nhiều lần đi đo đạc, kiểm đếm tài sản, xác minh thực địa. Thế nhưng, các hộ đã được đền bù, hộ không có đất vẫn được đưa vào danh sách là điều hết sức vô lý.
UBND huyện Krông Nô xử lý thế nào với số tiền đã chi trả “nhầm”? Những người có quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng như thế nào? Xin mới quý độc giả tiếp tục theo dõi bài cuối trên Infonet.