Vụ bắt cóc bé trai Bắc Ninh và những sơ sẩy "chết người" của cha mẹ thời nay
Đừng biện minh “bận công việc” để trẻ phải đối diện với hiểm nguy, đừng nghĩ phải để trẻ “tự lập”, “tự chơi” thì mới trưởng thành…
Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh tại cơ quan cảnh sát. |
Đêm qua, cả nước vỡ oà khi biết tin bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, ngụ TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị mất tích chiều 21/8 khi đi công viên cùng cha đã được tìm thấy.
Trước đó, có nhiều thông tin cho rằng trong lúc con chơi ở công viên người bố ngồi uống nước ở cạnh khu vui chơi. Lại có thông tin cho rằng, bố bé vừa ngồi xem điện thoại để giải quyết công việc khoảng 5 phút, ngẩng đầu lên đã không thấy con đâu.
Người đàn ông này sau đó tá hoả đi tìm nhưng không thấy con. Gần như cả TP Bắc Ninh đêm ấy đã không ngủ. Mọi người tản đi nhiều nơi tìm kiếm bé, từ bệnh viện tỉnh, viện sản nhi, chân cầu cao tốc, xung quanh hồ, các biệt thự, công viên, bãi rác,... nhưng đều vô vọng.
Sau một ngày nỗ lực tìm kiếm, may mắn là tối qua cháu bé được công an tìm thấy tại Tuyên Quang. Đối tượng bắt cóc cháu bé khai nhận do vô sinh nên muốn bắt bé về nuôi.
Dù người phụ nữ bắt cóc bé đưa ra lý do như vậy nhưng người ta có quyền nghi ngại rằng nếu không được công an tìm thấy, biết đâu đứa trẻ sẽ trở thành nạn nhân của một vụ buôn bán người…
Trên thực tế, các cơ quan chức năng từng cảnh báo về tình trạng bắt cóc trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi. Năm 2019, cả nước xác định 211 vụ buôn người và bắt hơn 276 đối tượng trong đó có không ít là những vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Hiện giờ cháu bé đã được về với bố mẹ, nhưng đây như hồi chuông cảnh tỉnh các bố mẹ khác: chỉ một phút lơ là của người lớn, trẻ em phải đối diện với nhiều nguy cơ, không riêng gì chuyện bị bắt cóc.
Một phút sơ sểnh của người lớn, trẻ có thể đổ nguyên cả bát canh nóng vào người. Chỉ một phút lơ đễnh, trẻ có thể bị ngã xuống cầu thang gây thương tật, trẻ có thể uống phải hóa chất, thuốc độc… Thậm chí chỉ một phút người lớn lơ là trông nom, đã có trẻ chết đuối ngay trong chậu nước tắm ở nhà.
Tôi từng nhiều lần phải đến Bệnh viện Nhi Trung ương và Khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, chứng kiến nhiều cảnh tai nạn thương tâm của trẻ. Ở đó là những hoàn cảnh đáng thương mà trong đó phần lớn nguyên nhân dẫn tới là do người trông trẻ.
Dẫu được cảnh báo nhiều về những tai nạn có thể xảy ra với trẻ nhưng trong thời đại của smartphone rất nhiều người bố, người mẹ vẫn bận rộn với thế giới ảo mà bẵng quên mất thiên chức của mình là dạy và dỗ các con.
Các bậc bố mẹ mặc nhiên cho mình quyền “bận kiếm tiền”, “bận làm online” rồi để trẻ tự chơi, hoặc giao trẻ cho người giúp việc. Thời gian chơi với con gần như là thứ xa xỉ với nhiều gia đình.
Các thiệt bị điện tử như tivi, máy tính bảng từ lúc nào đó đã trở thành bạn thân nhất của trẻ mỗi khi từ trường học về nhà. Trong khoảng thời gian ấy, biết bao nhiêu nguy cơ rình rập đứa trẻ từ chính trong ngôi nhà, nơi tưởng chừng an toàn nhất nên bố mẹ mặc kệ.
Tuổi thơ của con chỉ có một lần trong đời, toàn bộ sự phát triển về thể chất cho đến tinh thần, trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng xã hội của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách mà bố mẹ sẽ dạy con trong giai đoạn này.
Một nhà tâm lý học từng cảnh báo, nếu bố mẹ không chú trọng đầu tư thời gian đúng mức bên con vào giai đoạn này thì xem như đang phí phạm một cơ hội vàng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đừng biện minh “bận công việc” để trẻ đối diện với hiểm nguy, đừng nghĩ phải để trẻ “tự lập”, “tự chơi” thì mới trưởng thành… trong khi quá nhiều những hiểm nguy rình rập mà một đứa trẻ không thể tự mình biết cách chống đỡ.
Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ cần lo cho con có cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất là được. Bởi vì trên thực tế những gì đứa trẻ cần và mong đợi chính là sự quan tâm, tình yêu thương, sự chia sẻ và dạy dỗ của bố mẹ qua việc chơi cùng con mỗi ngày.
Thay đổi lối sống và hành vi là điều hoàn toàn có thể làm được. Bố mẹ hãy sửa sai ngay khi còn có thể. Tiền bạc tưởng như toàn năng giúp con một cuộc sống đủ đầy thì khi tai họa xảy ra lại chẳng có ý nghĩa gì. Lúc này bố mẹ nói gì, làm gì cũng là quá muộn!
Bạn đọc Nguyễn Văn Minh (Hà Nội)