Vỡ trận xét tuyển đại học: TS Lương Hoài Nam hiến kế
Làm cách nào để học sinh không phải vã mồ hôi hột chỉ để rút - nộp hồ sơ |
TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia từng có nhiều năm làm giáo dục, hiện đang là Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu trao đổi với Infonet rằng, mặc dù con anh không học đại học trong nước nhưng cháu anh năm nay cũng tham gia kỳ thi này và thực sự có rất nhiều vấn đề bất cập gây rối loạn và hoang mang cho học sinh và gia đình các em.
“Điều bất cập lớn nhất theo tôi nằm ở chỗ học sinh phải chọn trường trước khi chọn ngành. Trong khi đó, con tôi học ở Singapore, khi kết thúc trung học phổ thông, cái mà cháu có để nêu nguyện vọng xét tuyển đại học là "tất cả các ngành - tất cả các trường có điều kiện tuyển sinh thấp hơn hoặc bằng kết quả thi của học sinh".
Danh sách mà Bộ Giáo dục Singapore gửi cho cháu gồm hơn 40 lựa chọn tương ứng với kết quả thi của cháu. Đầu tiên cháu được nêu 10 nguyện vọng từ ưu tiên cao đến ưu tiên thấp. Sau đó Bộ Giáo dục Singapore thông báo cho cháu một kết quả xét tuyển, đồng thời cho cháu cơ hội nêu một nguyện vọng nữa (trong khi bảo lưu kết quả xét tuyển lần đầu). Bộ xét nguyện vọng bổ sung, cuối cùng thông báo kết quả xét tuyển chính thức cho cháu. Tất cả các khâu nói trên được thực hiện online trên website tuyển sinh của Bộ Giáo dục Singapore” – TS Hoài Nam nói.
Trong khi đó, ở nước ta tình hình hoàn toàn trái ngược. Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, mỗi học sinh được chọn 1 trường và 4 ngành ở trường đó chứ không phải là một ngành cho 4 trường. Đây chính là nguyên nhân khiến cho suốt 20 ngày vừa qua, đặc biệt những ngày cuối cùng tình trạng rút- nộp hồ sơ trở nên bất an với nhiều học trò và gia đình đến như vậy.
TS Lương Hoài Nam đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không nghiên cứu cách tuyển sinh của Singapore hoặc tổ chức theo cách tương tự như ở Mỹ. Theo đó, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng do mỗi trường tự thực hiện, dựa trên kết quả thi sát hạch học sinh của các tổ chức đánh giá năng lực độc lập như SAT, ACT?
Sửa sai bằng cách nào?
Trả lời câu hỏi này, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh, nếu chúng ta chưa có các tổ chức đánh giá độc lập như của Mỹ, thì vẫn có thể coi kết quả của kỳ thi chung là để cho các trường đại học, cao đẳng tự thực hiện phần tuyển sinh. Học sinh có thể sử dụng kết quả thi của mình để đăng ký tuyển sinh với bất kỳ trường nào có điều kiện tuyển sinh tối thiểu thấp hơn. TS Lương Hoài Nam cũng thất vọng cho biết: “Chán chuyện thi đại học, cao đẳng năm nay rồi vì thế tôi kiến nghị các phương pháp cho năm sau”:
Cụ thể: Bộ GD & ĐT có thể triển khai xét tuyển đại học theo 2 phương pháp. Phương pháp 01 - Tập trung (tham chiếu cách làm của Singapore). Theo đó, điều chỉnh phương pháp năm nay theo hướng mỗi thí sinh được đăng ký MỘT LẦN cho tối đa 10 cặp "Ngành - Trường" có tiêu chuẩn tuyển sinh thấp hơn hoặc bằng kết quả thi quốc gia của thí sinh, nêu thứ tự ưu tiên từ 01 đến 10.
“Đăng ký xong thì ngồi yên ở nhà mà chờ, không có động tác chạy tới chạy lui nộp, rút hồ sơ gì hết. Bao giờ Bộ cùng các trường xét tuyển xong một cách khoa học, công bằng và minh bạch thì công bố toàn quốc. Nếu cần thì thêm vòng xét tuyển bổ sung, không cần thì thôi. Thí sinh nào không nhập học theo kết quả xét tuyển, mời năm sau thi lại” – TS Nam nói.
TS Lương Hoài Nam cũng nhấn mạnh, phương pháp 01 có thể áp dụng ngay cho phần còn lại xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.
Phương pháp 02 - Phân tán ( tham chiếu cách làm của Mỹ). Lấy Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM làm 2 Cơ sở thi đánh giá năng lực học sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng tương tự SAT/ACT. Tạm gọi 2 Cơ sở này là SATVN1 và SATVN2. Họ xây dựng nội dung thi, phương pháp thi, đề thi, tổ chức thi và cấp xác nhận kết quả thi cho học sinh.
Mỗi trường tự quyết định dùng kết quả của SATVN1 hay SATVN2 để tuyển sinh cho trường mình (nhưng phải công bố rõ để học sinh biết và chọn Cơ sở thi).
“Với kết quả thi SATVN1, SATVN2, học sinh muốn đăng ký tuyển sinh vào ngành nào, trường nào thì tuỳ, muốn đăng ký vào bao nhiêu nơi cũng chiều. Trước mắt mỗi năm thi SATVN1, SATVN2 một đợt, sau lớp 12. Lâu dài tiến tới mỗi năm thi SATVN1, SATVN2 nhiều đợt, sau lớp 11 hoặc sau lớp 12, tuỳ mỗi học sinh chọn. Có SATVN1 và SATVN2 để họ cạnh tranh với nhau (như giữa SAT và ACT ở Mỹ)” – TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.