Kon Tum: Trồng luồng chắn gió và giữ đất, người dân Đắk Ngọc vừa có nguồn thu bền vững
Ở xã Đắk Ngọc, cây luồng được người dân trồng từ rất nhiều năm trước đó, cây luồng trồng ở vùng đất này phát triển nhanh và rất tươi tốt, sản phẩm từ thân cây được thương lái ưa chuộng.
Cây luồng có đặc điểm thân cây thẳng và lớn kèm theo chiều dài vài chục mét, kích thước của cây trung bình cao từ 14m đến 18 mét, ngọn thẳng, đường kính thân từ 10cm, lóng dài 30cm đến 35 cm, vách thân dày 1cm, thân tre tươi nặng khoảng 37kg, mỗi đốt có một cành chính to, dài và 2-5 cành nhỏ hơn, loài luồng có khả năng phát triển thành mầm và rễ rất nhanh nên tạo thành từng hàng thẳng và mọc thành rừng rậm.
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, người dân ở thôn 2, xã Đắk Ngọc đã khai thác diện tích cây luồng trồng từ ngày xưa ở rẫy của gia đình với số lượng lớn, mỗi cây tươi có giá bán 700 đồng/kg. Mỗi ngày thu hoạch cây luồng có thể lên tới 4-5 tấn cây và lợi nhuận từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ngày.
Nói về giá trị của thân cây luồng, anh Nguyễn Hoàng Tâm (45 tuổi, thương lái) cho biết, loại cây luồng này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Theo anh Tâm thì cây luồng có thể làm vật liệu xây dựng, làm tăm mành, làm đũa ăn xuất khẩu, có thể làm đồ trang trí mỹ nghệ vừa làm nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy hay dùng để chiết xuất các loại thuốc chữa bệnh, thân cây khi vừa mọc có thể làm măng tre làm thức ăn...
“Chính vì vậy việc cây luồng được chúng tôi thu mua trong những ngày giáp tết có thể giúp cho bà con trồng loại cây này có nguồn thu nhập rất lớn”, anh Tâm cho hay.
Anh A Thiếu (26 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Đắk Ngọc) cho biết, nhà anh A Thiếu có hơn 2 héc ta cây luồng ở rẫy, hầu hết cây luồng được trồng thành hàng theo bờ ranh với rẫy nhà người khác.
Theo anh A Thiếu, cây luồng ngoài giá trị về kinh tế nó vừa là tấm khiên chắn gió cho các cây trồng như cây cà phê, cây hoa màu khác.
“Hiện nay nhà mình được thương lái đặt hàng cây luồng với số lượng lớn có độ tuổi già và thân cây to. Chính vì vậy, thời gian này cả nhà phải gác lại các công việc khác để tập trung lực lượng tranh thủ cắt cây luồng, với giá cả như hiện nay thì Tết này chúng tôi sẽ có một cái Tết tươm tất hơn”, anh A Thiếu chia sẻ.
Còn anh A Dịu (34 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Đắk Ngọc cho biết thêm, việc khai thác cây luồng chủ yếu phải di chuyển nhiều lần và gom tại bãi để xe của người thu mua để vận chuyển dễ dàng mới mất nhiều thời gian.
“Dù công việc rất mệt nhưng đổi lại hằng ngày mọi người lại có thu nhập ổn định. Gia đình mình có tới 3ha đủ để khai thác, cắt tỉa dần trong những ngày cận tết, với tôi đây là niềm vui không chỉ riêng mình mà còn cả gia đình nữa vì cây luồng trở thành nguồn thu nhập chính trong lúc tết cận kề”, anh A Dịu cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Dũng- Phó chủ tịch UBND xã Đắk Ngọc cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 11,5 ha cây luồng được người dân trồng ở phần giáp ranh rẫy để chắn gió cho cây cà phê.
"Cây luồng được trồng tại hai thôn Thanh Xuân và Đắk Xuân vào độ tuổi thu hoạch nên người dân tiến hành bán để có thêm thu nhập. Thời gian trước cây luồng chưa được thương lái thu mua nhiều nên diện tích trồng loại cây này còn rất ít. Hiện tại đầu ra cho cây này còn hạn chế nên trong thời gian tới việc trồng cây luồng tại địa phương cần phải cân nhắc, không thể trồng đại trà”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được thì hiện thương lái ở các nơi đang tấp nập đổ về mua cây luồng ở xã Đắk Ngọc với giá tương đối cao. Tuy nhiên theo khuyến cáo thì chưa thể coi cây luồng là cây chủ lực vì đầu ra còn hạn chế.
Cây luồng là loại cây trồng mới đã được trồng thành công ở nhiều địa phương trong cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân từ việc thu bán măng và cả cây luồng. Cây luồng dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trồng một lần, thu nhiều năm.
Được biết, trước đây, huyện Đăk Hà đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm 100 ha luồng tại 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Luồng được trồng ở vùng đất bán ngập lồng hồ thủy điện, vùng ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ xói mòn và sạt lở đất.
Tiến Nhuệ - Hải Dương