Vỡ ối non khi mới 23 tuần, mẹ bầu thai đôi vẫn sinh con khoẻ mạnh
Chị Vân Anh (38 tuổi, trú tại Hải Phòng) vẫn không thể nào quên khoảnh khắc đón hai con chào đời sau hơn 10 tuần lo lắng tưởng không giữ được con.
Chị Vân Anh mang thai lần thứ 2, lần mang thai này là thai đôi nên chị rất cẩn trọng nhưng ở tuần thứ 23 chị thấy có hiện tượng ra dịch nhiều. Chị đi siêu âm khám tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, bác sĩ cho biết chị bị vỡ ối non khó có thể giữ được hai bé.
Hai bé song sinh một bên đa ối, một bên thiểu ối. Lúc đó, chị và chồng hoang mang cực độ. Mang thai tới tuần 23, thai nhi mới được 500 gram. Nghe đến đây đầu óc chị trống rỗng, không thể suy nghĩ gì, cơ thể chị như mất gần hết sinh lực.
Bác sĩ dưới Hải Phòng khuyên chị Vân Anh còn nước, còn tát thử lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tìm bác sĩ điều trị. Khi lên BV Phụ sản Hà Nội, bác sĩ cũng siêu âm đánh giá tình hình ối.
BSCK II Nguyễn Xuân Hải – Trưởng khoa A1, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - bác sĩ điều trị cho chị Vân Anh cho biết khi tới viện chị Vân Anh không còn hi vọng. Kiểm tra cho bệnh nhân, bác sĩ thấy may mắn duy nhất bệnh nhân vỡ ối non có còn màng. Nếu vỡ ối hoàn toàn thì rất khó.
Vỡ ối còn màng bác sĩ cho thuốc giảm co thắt tử cung điều trị kháng sinh chống viêm. Sau 10 ngày điều trị tại khoa bệnh nhân ổn định, dịch âm đạo không còn ra, siêu âm lượng ối bình thường nên cho điều trị ngoại trú.
Chị Vân Anh kể suốt khoảng thời gian đó, chị luôn tạo cho mình tâm lý thực sự thoải mái, phối hợp pháp đồ điều trị của bác sĩ một cách tốt nhất, cố gắng ăn uống thật tốt để có thể cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho con nhiều nước lọc, nước đậu đen, osezol,… để bổ sung nước ối, dinh dưỡng cho con.
Gia đình mình hoang mang không ai dám nghĩ xa xôi, cứ được một ngày lại mong thêm một ngày. Thời gian cứ thế trôi đến 34 tuần. Trong quá trình đó, các bé cũng được tiêm trưởng thành phổi.
Sản phụ được theo dõi sát sao đến 34 tuần có cơn chuyển dạ. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, bác sĩ Hải cùng ekip đã thực hiện mổ lấy thai. Kết quả, 2 bé gái đã chào đời khỏe mạnh với cân nặng 1750g và 1650g trong niềm vui của cả ekip và người nhà sản phụ. Bác sĩ Hải cho biết trong quá trình theo dõi, khó khăn với sản phụ nữ đó là nước ối vẫn chảy ra và khó khống chế nhiễm trùng.
Bác sĩ Hải cho biết vỡ ối non khác với thiểu ối. Nếu thiểu ối thì bác sĩ có thể can thiệp truyền ối còn vỡ ối non nếu càng truyền ối càng chảy ra nhiều hơn.
Bác sĩ Hải và vợ chồng chị Vân Anh. |
Theo bác sĩ Hải, nguyên nhân gây vỡ ối non chủ yếu sản phụ có các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ… có nguy cơ bị các vi khuẩn tấn công gây viêm màng ối, dẫn đến vỡ ối.
Do đó, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo sản phụ cần điều trị càng sớm càng tốt các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới nếu có.
Sản phụ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu, herpes sinh dục,… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vỡ ối.
Túi ối có vai trò bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn, vi trùng gây hại. Khi màng ối vỡ, nước ối rỉ ra bên ngoài khiến lớp bảo vệ này suy yếu, vi sinh vật có hại từ bên ngoài xâm nhập vào làm tổn thương thai nhi. Khi bị nhiễm trùng, thai nhi có nguy cơ suy hô hấp khi chào đời.
Dấu hiệu của vỡ ối non thai phụ cần lưu ý, thông thường nước ối có thể rỉ một ít, nhưng cũng có trường hợp rỉ ối ồ ạt. Hiện tượng rỉ ối cũng khác với són tiểu, nước ối chảy chậm hơn, không màu và không mùi; nồng độ pH khác xa với nước tiểu nên có thể kiểm chứng ngay bằng giấy quỳ.
Trong trường hợp nước ối chảy ra có mùi và có màu lạ như màu vàng, màu xanh… sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xác định chính xác bởi đây có thể là dấu hiệu của nước ối bị nhiễm trùng hoặc có lẫn phân su.
Bác sĩ Hải cho biết không phải trường hợp vỡ ối non nào cũng điều trị được. Trong trường hợp sản phụ bị vỡ ối kèm theo các nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng, bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu mổ lấy thai ngay lập tức nếu điều kiện sinh ngả âm đạo không thuận lợi, càng kéo dài thời gian vỡ ối nhiễm trùng sẽ càng nặng thêm.
Để dự phòng vỡ ối non, mẹ bầu phải kiểm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới trong quá trình mang thai. Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết; có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá…
Khánh Chi