Vịnh Cam Ranh: Con "át chủ bài” của Việt Nam trên Biển Đông
Tuy nhiên theo góc nhìn phân tích của ấn bản Nikkei Asian Review, trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam có một “con át chủ bài”, đó là vịnh Cam Ranh.
Vịnh Cam Ranh là một trong những vịnh có vị trí chiến lược quan trọng nhất ở châu Á. Trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã từng sử dụng cảng này làm trung tâm cho mọi hoạt động trên biển.
Tàu chiến Đinh Tiên Hoàng của hải quân Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. |
Giờ đây, Hải quân Mỹ đang có ý định trở lại. Hiện họ đang cạnh tranh với Nga trong việc sử dụng vùng vịnh này. Việt Nam có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương chỉ bằng cách cho phép Mỹ hoặc Nga có mặt tại vịnh Cam Ranh.
Ngày 11/3, Reuters đưa tin chính phủ Mỹ đã yêu cầu Việt Nam ngăn không cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh. Theo một số tin tức, các quan chức Mỹ cho biết máy bay ném bom Nga đã bay quanh đảo Guam, nơi có một căn cứ không quân Mỹ, và được tiếp nhiên liệu từ một máy bay bay từ hướng vịnh Cam Ranh.
Cảng Cam Ranh cách quần đảo Hoàng Sa 600km về hướng Tây và cách quần đảo Trường Sa 800km về hướng Tây Bắc.
Tàu từ vịnh Cam Ranh có thể dễ dàng đi vào Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Lịch sử đã chứng minh giá trị của vịnh này: Trong chiến tranh Nga – Nhật năm 1904 -1905, hạm đội Baltic của Nga đã cập cảng tại đây, còn Phát xít Nhật đã sử dụng cảng Cam Ranh trong Thế chiến II.
Sau Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô và sau này là Nga đã đóng tại căn cứ này từ năm 1979 đến năm 2002. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vịnh Cam Ranh đã mất đi một phần tầm quan trọng chiến lược của mình. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh tay hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại các vùng tranh chấp khiến cho vai trò của vịnh Cam Ranh được nhắc đến một lần nữa.
Chính phủ Việt Nam cho biết họ không muốn ưu tiên cho bất kỳ nước nào đối với việc sử dụng vùng vịnh này. Việt Nam đã nhiều lần từ chối yêu cầu hoạt động tại cảng Cam Ranh của Mỹ. Việc họ cho phép Nga thâm nhập vào vịnh được coi là một động thái nhằm củng cố quan hệ với Moscow, vốn là đối tác quân sự quan trọng từ thời Chiến tranh Việt Nam.
Tính đến tháng 3 năm nay, Hải quân Việt Nam đã mua về 3 tàu ngầm lớp Kilo và triển khai chúng trên vịnh Cam Ranh, và ba chiếc còn lại sẽ được bàn giao từ nay cho đến năm 2016. Việc cập cảng thường xuyên của tàu chiến Nga sẽ khiến Việt Nam dễ dàng tìm hiểu thông tin về cách thức vận hành và chiến thuật tàu ngầm từ phía Nga.
Ảnh vệ tinh Vịnh Cam Ranh |
Một quan chức ngoại giao ở Hà Nội cho biết: “Việt Nam nhiều khả năng đã giành được thỏa thuận nhằm nâng cấp vũ khí và thiết bị của mình bằng cách cho phép Nga cập cảng trên vịnh Cam Ranh”.
Tuy vậy, chính phủ Việt Nam tỏ ra kín tiếng trước sự kiện tàu của Nga cập cảng Cam Ranh. Rất có thể là bởi Việt Nam mong muốn củng cố quan hệ với Mỹ còn hơn cả Nga.
Năm nay đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đảng đến thăm Washington, có thể vào đầu tháng 6 tới.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, chiếm 11,7% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam. Mỹ cũng đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Cho đến giờ, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với những mặt hàng liên quan đến quốc phòng trên biển. Việt Nam đang có nhu cầu mua thêm các loại phi cơ chống tàu ngầm và tàu tuần tra ven biển tốc độ cao.
Khoảng 95% số vũ khí mà Việt Nam có hiện nay đều là của Nga, và phần lớn chúng đã lỗi thời. Các quan chức Việt Nam biết rằng nếu họ mua vũ khí Mỹ, họ sẽ được huấn luyện bài bản cũng như có thêm nhiều hỗ trợ khác. Rất có thể, Việt Nam đang muốn thay thế dần các loại khí tài của Nga với Mỹ.
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam hiện diện trên quân cảng Cam Ranh |
Nhật Bản cũng đang theo dõi sát sao diễn biến tại vịnh Cam Ranh. Cuối tháng 4 vừa qua, theo tin tức của Reuters, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu có kế hoạch tập trận chung trên Biển Đông với Mỹ. Hiện tại, nước này có một phi đội gồm 70 máy bay do thám P-3C. Nếu được hoạt động trên vịnh Cam Ranh, “Nhật Bản có thể thường xuyên theo dõi toàn Biển Đông”, theo lời một quan chức ngoại giao ở Hà Nội.
Ngày 13/5, 2 chiếc máy bay P-3C của Nhật Bản đã bay đến thành phố Đà Nẵng và là lần thứ hai phi cơ này đến Việt Nam. Cho dù sự kiện này là vô tình hay hữu ý, Việt Nam đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ, và cuộc cạnh tranh trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp hơn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế - chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.