Việt Nam “đặt hàng” học giả quốc tế 3 vấn đề lớn về Biển Đông
Với gần 40 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận xoay quanh chủ đề chính “Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, các đại biểu trong nước và quốc tế đã thảo luận làm rõ các nhân tố tác động tới tình hình Biển Đông như vai trò của nhà nước, các thực thể phi nhà nước, các lực lượng quân sự và phi quân sự, vai trò của lợi ích an ninh, kinh tế, môi trường của các bên đối với diễn biến tình hình Biển Đông gần đây.
Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu bế mạc hội thảo (Ảnh: HC) |
Đồng thời, Hội thảo cũng tập trung phân tích xu thế chuyển động trong quan hệ quốc tế và quan niệm khu vực về trật tự hàng hải, triển vọng áp dụng các khuôn khổ pháp lý quốc tế về các vùng lãnh thổ, vùng biển, đáy biển và vùng trời để giảm thiểu khác biệt và giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nêu rõ, tại hội thảo lần này, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Nhiều đóng góp tâm huyết, rất có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra nhằm giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông.
“Chúng tôi tin tưởng các khuyến nghị và ý kiến đóng góp tâm huyết đó sẽ được chuyển tới các bên hữu quan, các cơ quan chức năng qua các kênh và con đường khác nhau, để biến các mong muốn và ý nguyện chung của chúng ta thành hiện thực” – Đại sứ Đặng Đình Quý nói.
Đồng thời ông nêu lên một số chủ đề lớn và mới nổi lên trong quá trình thảo luận mà ý kiến còn khác nhau với hy vọng các học giả sẽ tiếp tục đầu tư suy nghĩ để góp phần làm rõ và trao đổi kỹ hơn trong thời gian tới.
Theo đó, những biến chuyển to lớn ở phạm vi toàn cầu và khu vực đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới nhận thức, lợi ích, chiến lược và chính sách của tất cả các bên ở Biển Đông, tạo ra rất nhiều “khoảng mờ” trong không gian địa chính trị ở Biến Đông, làm gia tăng nghi kỵ và nguy cơ rủi ro tính toán sai lầm, nhất là sai lầm về chiến lược, với các hệ lụy khó lường.
Do vậy, Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị các học giả tiếp tục giúp minh bạch hóa môi trường chiến lược ở Biển Đông; tiếp tục đóng góp giúp các bên liên quan, nhất là các nhà hoạch định chính sách, dư luận báo chí nhận thức rõ hơn các biến động địa chiến lược mới, các động lực, lợi ích và lực lượng mới đang tác động tới tình hình Biển Đông hiện nay, giúp tránh các nhận thức chưa chính xác, giảm thiểu các tính toán sai lầm và các nguy cơ tiềm tàng.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: HC) |
Về vấn đề hiện trạng và cách giữ nguyên trạng ở Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ, trong môi trường đầy biến động hiện nay, việc giữ nguyên trạng và kiềm chế không thực hiện các hành vi làm xấu thêm tình hình cần được hết sức coi trọng nhằm kiểm soát hữu hiệu tình hình Biển Đông. Vì vậy ông bày tỏ hy vọng các học giả tiếp tục giúp làm rõ hiện trạng đó, không chi hiện trạng của các thực thể trên biển đang có tranh chấp mà còn là hiện trạng môi trường, tài nguyên.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh: “Việc hiểu rõ các điểm này sẽ giúp các quốc gia hiểu rõ hơn xem cần phải giữ “nguyên trạng” nào, hợp tác ra sao để giữ nguyên trạng đó, và các tác động sâu rộng và lâu dài đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông của việc phá vỡ nguyên trạng này”.
Điểm mấu chốt thứ 3 mà Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị các học giả trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư suy nghĩ là hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở Biển Đông. Tại hội thảo, các đại biểu đều chia sẻ nhu cầu làm làm rõ và thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế, coi đó là “luật chơi” chung của các bên ở Biển Đông. Việc tuân thủ “luật chơi chung” là thước đo mức độ thiện chí và trách nhiệm của mỗi bên với hòa bình, ổn định và an ninh chung ở Biển Đông.
Nhiều học giả đã cảnh báo tác hại và cái giá đắt đỏ của việc thiếu tuân thủ các nguyên tắc và luật chơi chung, nhất là luật pháp quốc tế, kể cả với các siêu cường. Cuộc hội thảo đã dành hai phiên thảo luận về các vấn đề pháp lý để làm rõ hơn, diễn giải cụ thể hơn theo chiều hướng tích cực, xây dựng hơn các điều khoản của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Tuy vậy còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông, cách hiểu và áp dụng các quy chế pháp lý đó ở những vùng biển và vùng trời có tranh chấp.
Do đó Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị các học giả tiếp tục trao đổi, hợp tác, và đăng tải các bài viết làm rõ hơn các quy chế pháp lý đó, đối chiếu với các hành động trên thực tiễn của tất cả các bên có liên quan nhằm chỉ rõ nhưng việc làm phù hợp với luật pháp quốc tế cần được khuyến khích, và những việc làm chưa phù hợp cần được kiểm soát tốt hơn, thậm chí phải ngăn chặn.
Khẳng định hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các bên liên quan, cộng đồng quốc tế có lợi ích và trách nhiệm chung trong việc kiểm soát, làm giảm nhiệt tranh chấp, không để các căng thẳng ở đây tái diễn hoặc lặp lại, Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ: “Với nhận thức chung một trật tự trên biển dựa trên các nguyên tắc của pháp luật, các chuẩn mực ứng xử được thừa nhận rộng rãi sẽ góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định bền vững hơn một trật tự dựa trên sức mạnh, tôi hy vọng các cuộc thảo luận của chúng ta để củng cố, xây dựng trật tự pháp lý sẽ được đẩy mạnh thời gian tới!”.