Việt Nam đang chịu tác động kép của hai loại thuốc lá
“Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chúng tôi đối mặt với làn sóng tác động thứ 2. Chúng ta đang chịu tác động kép của 2 loại thuốc lá này”.
Thuốc lá điện tử được thiết kế bắt mắt nhằm thu hút giới trẻ sử dụng |
Đây là lo ngại của TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại hội thảo mới đây về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo ông Quang, một bệnh truyền nhiễm như Covid-19 có quy mô toàn cầu đã khiến gần 1 triệu người tử vong, gây quan ngại cho tất cả các quốc gia, toàn thể người dân trên toàn thế giới, làm đình trệ các hoạt động kinh tế, văn hóa…
Trong khi đó, thuốc lá không gây chết người ngay, thậm chí cả số liệu người chết vì bệnh ung thư phổi cũng có độ trễ đến 30 năm. Tuy nhiên, mỗi năm qua đi trên toàn thế giới có 8,2 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
“Điều đó cho thấy những tác hại khủng khiếp của thuốc lá đối với sức khỏe. Thời gian qua với sự nỗ lực rất lớn, chúng ta đã giảm được tỷ lệ người hút thuốc. Tuy nhiên với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chúng tôi đối mặt với làn sóng tác động thứ 2. Chúng ta đang chịu tác động kép của 2 loại thuốc lá này”, ông Quang nói.
Lấy ví dụ với bệnh ung thư phổ có liên quan chặt chẽ đến thuốc lá, ông Đào Thế Sơn, Đại học Thương Mại (Hà Nội) cho biết số liệu chết vì ung thư phổi có độ trễ 30 năm. Sau 30 năm người ta mới thu thập được số liệu. Chính độ trễ trong việc ghi nhận tác hại đến sức khỏe của thuốc lá tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện này vì thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoàn toàn mới.
Dẫn chứng thêm về tác hại của thuốc lá điện tử, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, GĐ BV Phổi Trung ương cho rằng “trong thuốc lá điện tử có các thành phần ảnh hưởng đến sức khoẻ”.
Đó là chất Nicotin có hàm lượng cao có trong thuốc lá điện tử. Đây là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, não bộ, thời kỳ mang thai.
Đó là chất Propylene glycol có thể tạo thành Propylene oxide- một chất gây ung thư khi được đun nóng.
Đó là chất Glycerin/Glycerol gốc thực vật khi được đung nóng và hoá hơi sẽ tạo thành Acrolein có thể gây kích ứng đường hô hấp trên.
Ngoài ra trong thuốc lá điện tử còn có Kim loại – chì, bạc Cadmium, Chromium, thuỷ ngân, Nickel có thể gây ung thư.
Với những thành phần có trong thuốc lá điện tử như đã nêu, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, thuốc lá điện tử tác động lên hệ tim mạch. Theo đó, người sử dụng thuốc lá điện tử sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thông qua cơ chế làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch.
“Các chất tạo mùi trong thành phần thuốc lá điện tử làm trầm trọng thêm rối loạn chức năng TB nội mô làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.. Sử dụng thuốc lá điện tử làm thay đổi cân bằng hệ thống thần kinh tim, sang ưu thế cường giao cảm, tăng tình trạng stress oxy hóa dẫn đến tăng nguy cơ tim mạch.”, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên viên Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam lo ngai trước thực tế gia tăng người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo thống Tại Mỹ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở đối tượng học sinh trung học năm 2011 chỉ chiếm khoảng 1,5% thì sau 7 năm đến năm 2018 con số này đã tăng lên 20,8%.
Tương tự, tại Việt Nam năm 2015 mới chỉ 1,1% dân số nước ta đã từng sử dụng thuốc lá điện tử, 0,2% đang dùng thì đến năm 2019 đã có 2,6% trong lứa tuổi 13- 17 đang sử dụng thuốc lá điện tử.
Do đó, ông Lâm cho rằng nếu Việt Nam cho phép thuốc lá được nhập khẩu vào Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng lên chóng mặt ở giới trẻ, trở thành mốt thời thượng.
“Khi đó, Chính phủ muốn kìm lại con ngựa rất khó và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng giới trẻ nghiện nicotin tăng rất cao như một số nước trên thế giới”, Ths Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Công thương có đề xuất thí điểm cho phép công ty đa quốc gia được nhập thuốc lá đun nóng. Về nội dung này, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất không thí điểm với các trường hợp này.
Đồng thời Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử nung nóng tại Việt Nam.
N. Huyền