Việt Nam chủ trương hiện đại hóa Quân đội như thế nào
Chiến hạm hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng |
Từ sự phát triển nhận thức, tổng kết lý luận và thực tiễn bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm mang tính quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” của cha ông, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ra Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức đảm nhiệm vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Tiêm kích đa năng Su 30MK2 của không quân nhân dân Việt Nam |
Hai nhân tố cơ bản cần phải giải quyết để xây dựng quân đội hiện đại, tạo nên sức mạnh quốc phòng của một quốc gia là con người và vũ khí trang bị (VKTB), trong đó con người là yếu tố quyết định, VKTB là yếu tố rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”. Quan điểm xây dựng QĐND hiện đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người trước, súng sau”. Hiện đại hóa (HĐH) quân đội không đơn thuần chỉ là hiện đại VKTB mà còn phải thông qua giáo dục, huấn luyện để giải quyết mối quan hệ con người và VKTB, trong đó con người giữ vai trò quyết định. Một quân đội dù VKTB có hiện đại đến đâu chăng nữa nhưng nếu thiếu những con người vững vàng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạng; hiện đại về tri thức,... thì cũng trở thành vô nghĩa. Thấm nhuần tư tưởng đó, những năm qua, Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng con người. QĐND Việt Nam thường xuyên được giáo dục, huấn luyện, xây dựng vững mạnh toàn diện, thực sự xứng đáng là đội quân chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thuỷ phi cơ DHC - 6 trang bị trong Hải quân nhân dân Việt Nam |
Máy bay tuần biển CASA -212 trong biên chế cảnh sát biển Việt Nam |
Những năm tới, chúng ta tập trung xây dựng, giáo dục và rèn luyện cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam thực sự có bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, có trình độ KHKT và nghệ thuật quân sự cao. Thực tiễn đòi hỏi cấp ủy, người chỉ huy các cấp phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đặc biệt các cơ quan, đơn vị cần dành sự quan tâm xứng đáng cho việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức, có tri thức và sức khỏe, đủ khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại VKTBKT mới; thành thạo kỹ thuật, chiến thuật bộ binh và chuyên ngành, đáp ứng kịp thời sự phát triển của tình hình mới. Công tác giáo dục-đào tạo, huấn luyện phải toàn diện; giáo dục-đào tạo phải gắn với huấn luyện, chiến đấu... Trước hết, phải tập trung nâng cao nhận thức cho các đối tượng về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; niềm tin vào VKTBKT và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cùng với yếu tố con người, một quân đội hiện đại, nhất thiết phải có VKTBKT hiện đại. Theo quan điểm của Đảng ta, xây dựng quân đội từng bước hiện đại nhưng không nôn nóng, phải dần dần, từng bước; hiện đại hóa quân đội phải trên tinh thần phát huy tự lực, tự cường, đặc biệt không thể thoát ly điều kiện của đất nước, không thể vượt quá khả năng phát triển của nền kinh tế. Thông qua hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, chúng ta phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và vận dụng sáng tạo thành tựu KH-KT quân sự trên thế giới để phát triển công nghiệp quốc phòng. Đi đôi với bổ sung vào biên chế những VKTB mới, phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT, đẩy mạnh Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng các loại VKTB, đạn theo tiêu chuẩn...
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam |
Căn cứ vào khả năng của nền kinh tế, những năm qua, Việt Nam đã từng bước mua sắm, sản xuất, cải tiến, bổ sung VKTBKT hiện đại cho quân đội. Các lực lượng Hải quân, Phòng không-Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật được xây dựng theo hướng tiến thẳng lên hiện đại. Nhưng trước mắt, Việt Nam tập trung đầu tư nguồn lực để xây dựng Hải quân, Không quân và một số lực lượng, đơn vị trọng điểm có các loại VKTB hiện đại, đủ khả năng sẵn sàng đối phó với các tình huống quốc phòng, quân sự đột xuất xảy ra. Cùng với mua sắm một số VKTB hiện đại, chúng ta còn coi trọng việc nâng cao chất lượng các loại VKTBKT hiện có, đảm bảo tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội, đủ sức bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc, sẵn sàng đánh thắng mọi loại hình chiến tranh và mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ -HQ 012 và Đinh Tiên Hoàng - HQ 011 trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam |
Hải quân nhân dân Việt Nam đã được đầu tư mua sắm, bổ sung vào biên chế nhiều loại VKTBKT, phương tiện hiện đại. Năm 2013, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có thêm Lữ đoàn Tàu pháo-Tên lửa, đơn vị chiến thuật có thể tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác trong các chiến dịch của Quân chủng Hải quân và hiệp đồng quân binh chủng. Chúng ta đã khôi phục lực lượng Không quân Hải quân được trang bị thủy phi cơ DHC-6, một loại máy bay hiện đại, với tầm bay khá xa, có thể cất cánh, hạ cánh cả trên cạn lẫn dưới nước, đường băng ngắn, bay thấp, bay chậm, rất phù hợp với nhiệm vụ tuần tra, tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Hải quân nhân dân Việt Nam đã có trong biên chế tàu bệnh viện mang tên Khánh Hòa-01, được trang bị khá hiện đại với 15 giường bệnh, 3 buồng bệnh, 1 kho vật tư, 1 kho thuốc và nhiều phòng chức năng. Ngoài đảm nhiệm khám, chữa bệnh, tàu Khánh Hòa-01 còn làm nhiệm vụ chở quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm… tiếp tế cho các đảo, nhà giàn DK1 và ngư dân trên các vùng biển. Đặc biệt, việc trang bị tàu ngầm Kilo 636 đã giúp Hải quân nhân dân Việt Nam có thêm một lực lượng mới, tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm sẵn sàng đối phó với các thách thức về an ninh.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội tại quân cảng Cam Ranh |
Tàu cảnh sát biển đa năng của Việt Nam |
Tiêm kích đa năng SU 30MK2 là một trong những khí tài trực chiến chủ lực của không quân Việt Nam |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội ta là tuần tra, bảo vệ vững chắc bầu trời và sẵn sàng đánh trả đối phương trong chiến tranh công nghệ cao. Yêu cầu cao của nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải hiện đại hóa lực lượng Phòng không-Không quân, đặc biệt là Không quân. Những năm gần đây, Không quân nhân dân Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tiến thẳng lên hiện đại. Những đơn vị máy bay tiêm kích MiG-21 và một số máy bay cường kích Su-22 ngày càng lạc hậu và đang dần được thay thế bằng các loại máy bay thế hệ mới hiện đại. Đặc biệt, việc trang bị những máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến như Su-30MK2 (một trong những dòng máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới), đã góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu cũng như khả năng tuần tra, giám sát, kiểm soát bầu trời Tổ quốc của Không quân nhân dân Việt Nam...
Không quân hải quân được trang bị trực thăng hiện đại EC 225 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hệ thống phòng thủ bờ biển K-Bation của quân đội Việt Nam |
Tuy nhiên, việc HĐH quân đội cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trước đây, Việt Nam không chỉ nhận được sự ủng hộ to lớn về tinh thần mà còn được bạn bè quốc tế viện trợ, giúp đỡ số lượng lớn VKTB. Hiện nay, tình hình đã khác, muốn có VKTB chúng ta phải mua sắm. Những năm qua, tuy nền kinh tế có nhiều khởi sắc nhưng nhìn chung nước ta vẫn còn nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do đó việc hiện đại hóa quân đội không thể vượt quá khả năng phát triển của kinh tế đất nước. Cùng với việc mua sắm, bổ sung cho quân đội các loại VKTB hiện đại, chúng ta cần phải có một nguồn tài chính đáng kể để chi cho việc đưa cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ra học tập, đào tạo ở nước ngoài. Để khai thác tính năng, tác dụng của các loại VKTB hiện đại, chúng ta phải giải quyết hàng loạt những vấn đề về công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, vật tư thay thế, trận địa, nhà xưởng, kho tàng v.v..
Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam chủ trương tiếp tục từng bước HĐH quân đội. Một số hợp đồng mua sắm VKTB mới sẽ được triển khai. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế phát triển chưa mạnh, Việt Nam sẽ lựa chọn ưu tiên đầu tư mua sắm và tiến hành HĐH quân đội từng bước phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dù còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng chúng ta quyết tâm thực hiện cho được chủ trương xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Nguồn: PHÙNG KIM LÂN /Quân đội nhân dân