Viết mấy chữ “xin lỗi con” rồi bỏ con ngoài đường, thông cảm được không?
Mấy dòng chữ như “xin lỗi con”, “tha thứ cho mẹ”… liệu có tìm sự cảm thông? Trên đời này không có đường cùng, cánh cửa này khép thì tất phải có khe sáng từ cánh cửa kia.
Trên các phương tiện truyền thông vẫn xuất hiện những tin xót lòng “bé gái sơ sinh bị vứt trong thùng rác”, “bé trai 3 ngày tuổi bị mẹ bỏ lại trước nhà dân kèm dòng thư “mẹ xin lỗi con”…”.
Đọc tin, nhiều người rơi nước mắt thương những đứa trẻ được phó thác tính mạng cho người đời và số phận.
Tình trạng những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ngày một nhiều. (Ảnh internet) |
Rất nhiều người căm giận các bà mẹ tàn nhẫn, không có lương tâm, dù hiểu rằng mỗi người một hoàn cảnh và người trong cuộc không biết làm thế nào với một đứa con ra đời ngoài ý muốn. Tuy nhiên dù biện minh thế nào, vứt bỏ con là hành động không thể chấp nhận.
Tôi từng gặp và quý mến một người mẹ điên. Người đàn bà ngây dại, khoác lên mình đủ thứ áo quần bẩn thỉu nhưng bầu sữa của chị thật ấm, để cứ khoảng 2 tiếng, chị lại cho con bú một lần. Nhìn chị chơi với con, không ai nghĩ thần kinh chị có vấn đề. Bản năng mẫu tử khiến chị đủ tỉnh táo để vỗ về, bao bọc đứa con trong an toàn và lắc đầu từ chối những người bày tỏ mong muốn nhận nuôi giùm.
Kết quả “hai vạch” với người này là niềm vui, với người kia có thể là sự hoảng loạn. Có người có thai do quan hệ ngoài luồng, có bé gái mang bầu khi chưa đủ tuổi thành niên, khi còn đi học hay người yêu chối bỏ trách nhiệm… “Giải quyết” không kịp nên họ âm thầm mang thai, cuối thai kỳ thì lén sinh con và âm thầm chối bỏ trách nhiệm nuôi nấng.
Mỗi lần đọc tin trẻ bị bỏ rơi tôi, tôi lại xót lòng. Ai cho người mẹ cái quyền tối thượng như vậy? Mỗi đứa trẻ là một số phận. Có được người tử tế cưu mang là phước phần của em, nhưng nếu không được phát hiện kịp thời thì đó là một mạng người. Mẹ không nuôi được con, cũng chưa hẳn hết cơ hội với bé. Có nhiều cách để các con tới một nơi tử tế. Cô nhi viện, trung tâm bảo trợ, nhà chùa… đâu phải khóa trái cửa với những nghịch cảnh!
Chá bé bị bỏ rơi ở tỉnh Hà Nam may mắn được người dân phát hiện và chăm sóc chu đáo. (Ảnh internet) |
Người trực tiếp chối bỏ quyền nuôi các cháu là người mẹ, nhưng “đồng phạm” luôn là những người đàn ông “quất ngựa truy phong”. Người đàn bà đáng trách nhưng cũng đáng thương là vì thế! Họ vừa ôm nỗi đau vừa ôm nỗi hận, có nhiều người còn trầm cảm, hoảng loạn tinh thần, nhưng sinh con rồi bỏ con bên vệ đường, trong thùng rác, dưới cầu cống... là phạm tội giết người, phải chịu hình phạt của luật pháp.
Tôi làm trong hội phụ nữ phường. Những vấn đề của chị em về tình yêu hôn nhân mỗi ngày tôi nghe nhiều vô kể. Có chuyện chồng và con họ không biết, nhưng chúng tôi lại được biết. Đó là nỗi đau đớn ám ảnh trong quá khứ khi họ chối bỏ quyền làm mẹ. Cuộc sống giờ đã đủ đầy nhưng đêm đến, hễ nhắm mắt nhiều chị lại nghe văng vẳng tiếng gọi “mẹ ơi”. Đêm với họ là chuỗi ngày dày vò “con mình là con trai hay con gái”, “nếu nó còn sống chắc bây giờ bằng này tuổi, học lớp này”…
Mấy dòng chữ như “xin lỗi con”, “tha thứ cho mẹ”, “yêu con nhưng mẹ không thể”… khó lòng tìm sự cảm thông, mà chỉ "lấp liếm tội ác". Trên đời này không có đường cùng, cánh cửa này khép thì tất phải có khe sáng từ cánh cửa kia. Chưa sẵn sàng làm mẹ thì đừng vội thử trái cấm tình yêu. Lỡ rồi thì phải có trách nhiệm với hành vi của mình.
Không san sẻ được với người thân, có thể tìm bạn bè hay trung tâm tư vấn. Sinh ra một đứa trẻ đâu phải chuyện dễ dàng. Thử nhìn những người hiếm muộn, vô sinh để mà trân trọng những gì mình được nhận. Trong số những người bỏ công bỏ của đi chữa hiếm muộn, không thiếu người đã từng chối bỏ con khi chưa có điều kiện kinh tế, khi học tập dở dang hay bị người tình phụ bạc…
Không tình thương nào bằng mẹ thương con và cũng không ai thương con bằng mẹ. Dù có muốn hay không, xin đừng tước đoạt quyền được sống, được yêu thương của những đứa trẻ.
Theo phunuonline.com.vn