Vì sao Trung Quốc quyết cướp Biển Đông?
Có một thực tế rõ ràng là vấn đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, vị trí chiến lược quân sự và lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Tuy Trung Quốc có đường bờ biển dài nhưng tất cả các yếu hầu giao thông trên biển để Trung Quốc đi ra bên ngoài về hướng Bắc, Nam và Đông đều không nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc. Tại Thái Bình Dương, tuyến đảo thứ nhất do Mỹ thiết lập giống như một chiếc rào chắn kiên cố, ngăn cản mọi nỗ lực tiến ra biển lớn của nước này.
Ở hướng Bắc, ngoài biển Hoa Đông và Hoàng Hải là 4 hòn đảo chính của Nhật Bản (Hokkaido, Honsu, Shikoku, Kyushu), quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Nhật Bản. Ở hướng Đông, từ khu vực biển phía Đông của Đài Loan có thể trực tiếp tiến vào Thái Bình Dương nhưng cửa đi ra biển ở hướng này còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Về hướng Nam, vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa của Việt Nam rất quan trọng. Biển Đông hiện nay đang nằm trong sự vùng chủ quyền và kiểm soát của một số nước Đông Nam Á. Khi xảy ra chiến tranh, cửa biển này sẽ trở thành cửa sinh tử của chiến lược phong tỏa và chống phong tỏa, bao vây và chống bao vây. Nếu mất Biển Đông, Trung Quốc sẽ mất quyền kiểm soát đối với tuyến đường sinh mệnh ra biển rất dài và tuyến quốc phòng của Trung Quốc cũng bị thu hẹp về đảo Hải Nam, con đường ra biển của toàn bộ khu vực miền Nam Trung Quốc sẽ bị chặn đứng.
Vậy Trung Quốc sẽ dùng những “bài” nào để đạt được mục đích của mình? Theo tạp chí “Mirror” (Tấm gương) của Hong Kong, trước tiên Trung Quốc phải xem xét đến các khả năng có cần phải “đánh” (bằng chiến tranh, xung đột) vào Biển Đông hay không?
Dù có thực lực quân đội mạnh hơn tất cả các nước Đông Nam Á nhưng đây là một việc làm rất mạo hiểm và khó khăn. Nếu quyết định “đánh”, Trung Quốc phải đảm bảo được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao được lòng tự tôn và tự tin của dân tộc. Thứ hai, đánh nhưng Trung Quốc phải giành được lượng dầu mỏ rất lớn mà nền kinh tế nước này đang khát, yếu tố cần thiết cho việc xây dựng kinh tế và quân sự. Ba là, kiểm soát tuyến đường biển ở Biển Đông, có lợi cho việc giải quyết vấn đề Điếu Ngư (nơi nước này đang tranh chấp với Nhật Bản). Bốn là, thông qua chiến tranh, thực lực của hải quân Trung Quốc sẽ được nâng cao mang đến cơ hội đột phá cho sự phong tỏa của “chuỗi đảo thứ nhất” đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Có điều, Trung Quốc tính được như vậy thì các đối thủ của nó cũng tính được. Nếu Trung Quốc “bận bịu” với Biển Đông, lập tức các điểm nóng như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng sẽ thừa cơ bùng phát và có thể sẽ đẩy Trung Quốc vào tình thế “xôi hỏng, bỏng không”, vĩnh viễn không bao giờ có thể đặt chân đến Biển Đông đồng thời mất đi những địa bàn chiến lược khác.
Theo phân tích, trong khoảng 10 năm tới, thực lực của hải quân Trung Quốc sẽ không ngừng được tăng cường và duy trì thế áp đảo với các nước đang kiểm soát Biển Đông. Nhưng mấy năm trở lại đây, các nước xung quanh Biển Đông cũng liên tục tăng cường mua sắm trang bị, vũ khí mới, từng bước áp sát giới hạn của Trung Quốc. “Tới năm 2020, thời gian kiểm soát thực tế đối với các đảo ở Biển Đông của các nước như Việt Nam sẽ càng dài, càng có khả năng trở thành một yếu tố quan trọng để sử dụng sức mạnh của luật quốc tế. Khi đó, Trung Quốc dù có thừa năng lực cũng sẽ không thể làm được gì nhiều ở Biển Đông nữa”, tạp chí Mirror bình luận.
-Dùng lập pháp để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, tạp căn cứ để hải quân hành động.
- Thực thi chế độ quản lý hành chính, khai thác phát triển tài nguyên dầu khí, xây dựng các lực lượng chấp pháp biển mạnh.
- Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, ngăn chặn sự hình thành của liên minh các nước có tranh chấp, ngăn ngừa cục diện xấu nhất là sự can dự trực tiếp của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản…
- Hợp tác với quân đội Đài Loan, giành lấy Biển Đông, thúc đẩy cơ hội thống nhất đất nước.
Dễ dàng nhận thấy, 3 trong số 4 giải pháp này, Trung Quốc gần như không có khả năng thực hiện và người ta đang “chờ xem”, Trung Quốc sẽ giở bài gì tiếp theo đây?